LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG LÀNG MẠCH TRÀNG XUÂN GIÁP THÌN 2024
Ngày 08 tháng 03 Năm 2024

Sáng ngày 19/02/2024 (tức ngày mùng 10 tháng Giêng năm Giáp Thìn), Ban Tổ chức lễ hội đã khai mạc Lễ hội làng Mạch Tràng năm 2024.

Mạch Tràng xưa có tên gọi là Mạch Trường nằm cạnh Thành Cổ Loa (vòng thành Ngoại). Mạch Tràng theo truyền thuyết vua An Dương Vương dời đô từ miền núi phía Bắc xuống đồng bằng và định đô tại Cổ Loa, lợi dụng địa hình, địa vật đắp thành Cổ Loa, luyện tập quân sĩ để chống quân xâm lược Triệu Đà. Ông đã đem giống lúa Mạch về đây dạy dân trồng cấy và đặt kho lương thực của nước Âu Lạc tại làng. Về sau vua Ngô Quyền cho mở trường học quốc gia tại nơi này nên làng có tên ghép là Mạch Trường về sau dân gian đọc chệch là Mạch Tràng và được gọi cho đến ngày nay.

Lễ hội làng Mạch Tràng nằm trong tổng thể lễ hội Cổ Loa, là một trong tám xã  cổ phụng thờ  đức vua An Dương Vương và tham gia tổ chức lễ hội Cổ Loa ( còn gọi là lễ hội “ bát xã Loa Thành”), diễn ra vào ngày lễ chính mùng 6 tháng Giêng hàng năm tại Đền Thượng (nơi thờ chính đức vua An Dương Vương), có sự tham gia của các làng: Cổ Loa, Văn Thượng, Mạch Tràng, Sằn Giẵ, Ngoại Sát, Đài Bi, Cầu Cả và Thư Cưu.  Tuy nhiên, sau những nghi thức lễ - tế và trò chơi dân gian chung của “bát xã hộ nhi” vào ngày lễ chính thì mỗi làng lại trở về tiếp tục tổ chức lễ hội tại làng mình (còn gọi là giã đám).

Không gian thực hành nghi thức tế lễ

Quan viên thực hành nghi thức tế lễ

Lễ vật dâng ngày lễ hội

Cùng với các thôn, làng của Bát xã Loa Thành, các trò chơi dân gian tại lễ hội làng Mạch Tràng là hoạt động tinh thần hết sức phong phú, đa dạng đối với người dân nơi đây. Lễ hội làng Mạch Tràng và lễ hội Bát xã Loa Thành thực sự đã gắn kết mọi người lại với nhau hơn qua nghi thức tế lễ uy nghiêm, trang trọng và những trò chơi dân gian bình dị.

BAN QUẢN LÝ KHU DI TÍCH CỔ LOA