NÉT ĐỘC ĐÁO BỘ SƯU TẬP KHUÔN ĐÚC CỔ LOA – BẢO VẬT QUỐC GIA
Ngày 27 tháng 09 Năm 2021

Sưu tập khuôn đúc Cổ Loa là những khuôn đúc ba mang và khuôn đúc hai mang, gồm 11 hiện vật, trong đó có 10 hiện vật là mang khuôn đúc mũi tên đồng ba cạnh và 1 hiện vật là mang khuôn đúc mũi lao đồng hình cánh én. Niên đại thuộc văn hóa Đông Sơn - sơ kỳ thời đại đồ sắt, thế kỷ III - II tước Công Nguyên. Đây là những hiện vật gốc, độc bản, phát hiện duy nhất được biết cho tới nay ở Việt Nam. Hơn thế, phát hiện này còn là minh chứng thuyết phục cho tính bản địa của sản phẩm, được tôn xưng như một danh từ riêng: Mũi tên đồng Cổ Loa.

Sưu tập khuôn đúc Cổ Loa còn là những hiện vật độc đáo, tiêu biểu bởi sự thông minh, tài tình của người thợ đúc đồng Việt cổ, khi họ lựa chọn những khối đá (sa thạch) hạt mịn, vừa cỡ để làm mang khuôn, từ một viên đá tự nhiên vẻ ngoài thô phác người thợ tạo tác sơ lược ở mặt ngoài, cẩn thận, chi tiết ở mặt trong với các kỹ thuật khắc, đục, mài để tạo vật đúc thật chuẩn xác. Những hiện vật này có giá trị đặc biệt, liên quan đến sự kiện trọng đại của đất nước vào giai đoạn lịch sử nhà nước Âu Lạc, thời kỳ An Dương Vương.

Mặt trong, mặt ngoài và bản vẽ mang khuôn đúc mũi tên đồng ba cạnh

Trong số 10 mang khuôn đúc mũi tên đồng ba cạnh có hai mang khuôn mặt ngoài được mài nhẵn và khắc chìm minh văn (chữ Hán), như vậy cho thấy nhà nước Âu Lạc, thời kỳ An Dương Vươngdùng chữ Hán để khắc trên các hiện vật quan trọng (khuôn đúc, trống đồng).

Mang khuôn khắc chữ Hán phát hiện năm 2005

Bản dập minh văn (chữ Hán ?) của mang khuôn ký hiệu 05ĐT.H3.L4-3.F3:1. Phiêm âm được một chữ: “Thần”, viết:  “臣”, tạm dịch nghĩa: “Quan”. Chữ còn lại chưa giải mã được

Bản dập minh văn (chữ Hán) của mang khuôn ký hiệu 05ĐT.H3.F3.L2:49. Phiêm âm: “Nhân”, viết:  “人”, dịch nghĩa: “Người”

Mang khuôn đúc mũi lao hình cánh én

Minh họa quy trình đúc mũi tên đồng ba cạnh từ khuôn ba mang

Mũi tên đồng ba cạnh Cổ Loa đã được phát hiện tại di chỉ Cầu Vực và lò đúc đồng đền Thượng là sản phẩm làm ra ra từ các bộ khuôn đúc ba mang. Cùng với lẫy nỏ và nỏ thần (nỏ chưa phát hiện được)đã tạo nên một cuộc cách mạng trong kỹ thuật quân sự thời kỳ An Dương Vương, nhà nước Âu Lạc là sản phẩm được phát minh, sáng chế tiêu biểu, có giá trị minh họa để hình dung một hoạt động quan trọng của thời kỳ dựng nước của dân tộc.

Lẫy nỏ và mũi tên đồng ba cạnh Cổ Loa

Kho mũi tên đồng Cổ Loa phát hiện tại Cầu Vực năm 1959

Sưu tập khuôn đúc, cùng với di tích lò, mũi tên đồng ba cạnh và hiện vật đi cùng, kể từ sau khi phát hiện, đã gây tiếng vang lớn thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học và các khách du lịch. Cùng với phát hiện kho mũi tên đồng Cổ Loa ở Cầu Vực năm 1959 và trống đồng Cổ Loa ở Mả Tre năm 1982 là ba hiện tượng khảo cổ nổi tiếng ở Cổ Loa, đều liên quan tới nhau, phản ánh hai thành tựu nổi bật của nhà nước Âu Lạc, đó là phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và phòng thủ chống giặc ngoại xâm bảo vệ vững chắc nhà nước non trẻ.

Di tích đền Thượng – Cổ Loa, địa điểm khai quật khảo cổ học (năm 2004 - 2007) đã phát hiện dấu tích lò luyện kim đúc đồng và sưu tập khuôn đúc Cổ Loa

Di chỉ Cầu Vực, nơi phát hiện kho mũi tên đồng Cổ Loa năm 1959

Di chỉ Mả Tre, nơi phát hiện trống đồng Cổ Loa I, lưỡi cày đồng Cổ Loa năm 1982

Khuôn đúc Cổ Loa là hiện vật có giá trị đặc biệt liên quan đến sự kiện trọng đại của đất nước, với Đức vua An Dương Vương - vị anh hùng dân tộc, người lập nên nhà nước Âu Lạc, người tổng chỉ huy quân, dân Âu Lạc xây thành, chống giặc và phát triển kinh tế đất nước.

Tượng đức vua An Dương Vương bằng đồng được thờ tại Hậu điện đền Thượng, Cổ Loa. Niên đại 1897

BAN QUẢN LÝ KHU DI TÍCH CỔ LOA