NGHI LỄ TRUYỀN THỐNG TẠI LỄ HỘI CỔ LOA XUÂN ẤT TỴ 2025 (Ngày chính hội mùng 6 tháng Giêng)
Ngày 14 tháng 02 Năm 2025

Sáng ngày 03/02/2025 (mùng 6 tháng Giêng năm Ất Tỵ), lễ hội Cổ Loa được tổ chức với nhiều hoạt động đặc sắc, trong đó không thể thiếu các nghi lễ và nghi thức truyền thống.

Từ sáng sớm các xã rước kiệu của xã mình về làng Cổ Loa theo hai phía. Phía tây (bên phải đền Thượng) tập trung tại thành Ngoại gồm các làng: Mạch Tràng, Sằn Giã, Đài Bi, Cầu Cả. Phía đông (bên phải đền Thượng) tập trung tại chợ Sa, gồm làng Văn Thượng - Ngoại Sát - Thư Cưu. Đến 7h sáng, theo trống lệnh, 2 đoàn rước cùng tiến vào đền Thượng đến đầu hồ phía tây thì hai đoàn nhập vào làm một xếp theo thứ tự Văn Thượng - Mạch Tràng - Sằn Giã - Ngoại Sát - Đài Bi - Cầu Cả - Thư Cưu. Đoàn rước tiến vào sân Rồng Thượng theo số thứ tự hạ kiệu như sau: Bên Đông: Văn Thượng, Sằn Giã, Đài Bi, Thư Cưu; Bên Tây: Cổ Loa, Mạch Tràng, Ngoại Sát, Cầu Cả.

Các làng rước kiệu vào lễ tại đền Thượng

Theo truyền thuyết, khi vua An Dương Vương chọn Cổ Loa làm địa điểm xây dựng kinh đô, người dân làng Quậy đã nhường đất cho vua xây thành. Do vậy, dù làng Quậy mặc dù không có tên trong Bát xã nhưng vì là dân gốc Cổ Loa nên được mời đến dự lễ hội và được làm lễ đọc Mật khẩn ở chiếu trên, các làng khác phải ra đón. Anh Cả Quậy đọc lời chúc mừng, làm lễ và đọc lời mật khẩn, thực hiện tại chiếu trên trước cửa đền.

Anh cả Quậy làm lễ và đọc mật khẩn

Tiếp theo là buổi tế Hội đồng ở Cổ Loa diễn ra hơn hai tiếng qua 67 lần xướng. Đây là nghi thức quan trọng nhất trong phần lễ của lễ hội Cổ Loa do các cụ ông thực hiện nhằm mục đích đón rước và thỉnh mời thần về dự hưởng lễ vật, đồng thời là dịp để dân làng chúc tụng thần, bày tỏ lòng biết ơn của dân làng đối với thần linh, mong thần phù hộ cho dân làng bình yên, hạnh phúc, quốc thái dân an.

Tế hội đồng

Sau buổi tế Hội đồng là nghi thức rước kiệu Bát xã (nghênh rước kiệu). Xuất phát từ đền Thượng, kiệu làng Cổ Loa dẫn đầu, sau đó lần lượt đến rước kiệu của các làng Văn Thượng, Mạch Tràng, Sằn Giã, Ngoại Sát, Đài Bi, Cầu Cả, Thư Cưu. Đoàn rước từ sân Rồng Thượng xuống sân Rồng Hạ, ra cửa đền, rẽ sang phải đi về phía tây, vòng xuống phía nam, quanh hồ giếng Ngọc (Ngọc Tỉnh) sang bên phía đông đến ngã tư thì đoàn rước của làng Cổ Loa rước thẳng vào đình Ngự Triều Di Quy ngự ở đó. Buổi chiều Cổ Loa tế tại đình, tế xong rước kiệu về đền. Các làng còn lại trong Bát xã rước kiệu đi về đình của mỗi làng, tiếp tục tổ chức hội làng thời gian bắt đầu từ mùng 8 đến 16 tháng Giêng.

Rước kiệu Bát xã

Buổi chiều mùng 6 tháng Giêng, quan viên làng Cổ Loa tế tại sân đình Ngự Triều Di Quy.

Quan viên tế lễ tại sân đình

Thông qua các nghi thức truyền thống, lễ hội Cổ Loa không chỉ là dịp để người dân Cổ Loa tưởng nhớ công lao của vua An Dương Vương, mà còn là hoạt động văn hóa mang đậm giá trị nhân văn, nhắc nhở về những giá trị lịch sử của dân tộc, về lòng trung thành, sự hy sinh vì tổ quốc, đồng thời tôn vinh những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc Việt Nam.

BAN QUẢN LÝ KHU DI TÍCH CỔ LOA