NGÔ QUYỀN - VỊ TỔ TRUNG HƯNG ĐẤT NƯỚC
Ngày 23 tháng 04 Năm 2021

“Ngô Quyền quê ở Đường Lâm

Cứu dân ra khỏi cát lầm ngàn năm”  

  (Trích: Hồ Chí Minh, Lịch sử nước ta, 1941)

Ngô Quyền (898944), sinh ra trong một dòng họ hào trưởng có thế lực ở châu Đường Lâm, cha là Ngô Mân làm chức Châu mục, mẹ là bà họ Phạm, người cùng châu.khi Vua mới sinh có ánh sáng lạ đầy nhà, trang mạo khác thường, có 3 nốt ruồi ở lưng, thầy tướng cho là lạ, bảo có thể làm chủ một phương, nên mới đặt tên là Quyền (Đại Việt sử ký toàn thư). Tộc phả họ Ngô chép: Tiên tổ Ngô Quyền tên là Tùng, lấy vợ ở Đường Lâm, người họ Đỗ. Ông sinh ra ba trai là Tương, Lý, Đỗ. Tương sinh Vinh. Vinh sinh 6 trai, trưởng là Xuân. Xuân giúp Triệu Quang Phục chống đô hộ. Xuân sinh Hoa. Hoa sinh Côn. Côn lấy vợ người họ Phạm ở Đường Lâm, sinh hai trai, một gái, trưởng là Ngô Quyền”. Năm 20 tuổi, cha mẹ đều mất, Ngô Quyền vào Ái Châu (Thanh Hóa) làm nha tướng cho Dương Đình Nghệ, được Đình Nghệ nhận làm con nuôi, gả con gái là Dương Thị và cho trấn giữ Ái Châu.

Năm 938, Ngô Quyền từ vùng Ái Châu đem quân ra thành Đại La đánh Kiều Công Tiễn, trừ mối họa bên trong và làm thất bại ngay từ đầu âm mưu “nội ứng ngoại hợp” của Nam Hán. Sau đó, ông huy động nhân dân cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nam Hán trên cửa biển Bạch Đằng. Ngô Quyền đã cho quân sĩ đóng cọc có bịt sắt nhọn xuống cửa biển Bạch Đằng, nhử quân địch vào khu vực này để khi thủy triều lên, bãi cọc không bị lộ, đợi nước triều rút xuống, thuyền địch mắc cạn mới là lúc giao chiến.

Vào một ngày cuối đông năm 938, Hoằng Tháo chỉ huy một đột quân hùng mạnh vượt biển tiến vào cửa biển Bạch Đằng. Ngô Quyền lừa địch chỉ cho thuyền nhẹ, quân ít và giả thua bỏ chạy lên thượng lưu. Đợi đến khi thủy triều xuống, ông mới hạ lệnh cho quân sĩ đổ ra đánh. Thuyền chiến lớn của Nam Hán bị mắc cạn và lần lượt bị cọc đâm thủng gần hết. Lúc đó Ngô Quyền mới tung quân ra tấn công dữ dội. Quân Nam Hán thua chạy, còn Lưu Hoằng Tháo bỏ mạng cùng với quá nửa quân sĩ. Từ đó nhà Nam Hán bỏ hẳn mộng xâm lược Giao Châu.

Sau chiến thắng trên cửa biển Bạch Đằng, kết thúc hơn 1000 năm Bắc thuộc, mở ra thời kỳ phong kiến độc lập tự chủ cho dân tộc, mùa xuân năm Kỷ Hợi (939) Ngô Quyền bỏ chức Tiết độ sứ, xưng Vương, định đô ở Cổ Loa, lập Dương Thị làm hoàng hậu, thiết lập bộ máy triều đình gồm trăm bá quan văn võ, chế định triều nghi phẩm phục, tạo ra những bước bản lề cho xã hội Việt Nam thế kỷ X.

 Ngô Quyền chọn Cổ Loa làm kinh đô là muốn dựa vào thành cao, hào sâu, vị trí đầu mối của các luồng giao thông thủy bộ giữa trung tâm châu thổ sông Hồng, để triều đình có thể nắm chắc miền châu thổ mà vươn ra quản lý toàn bộ lãnh thổ quốc gia. Tiền Ngô Vương ý thức rất rõ việc quốc thống, nối nghiệp của các vua Hùng, vua Thục. Trong bộ sách Đại Việt sử ký toàn thư, bộ Quốc sử đời Lê do nhà sử học Ngô Sĩ Liên chủ trì biên soạn đã xếp Ngô Quyền là vị vua đứng ở vị trí cao nhất của các vua Đại Việt: “Vua mưu tài đánh giỏi, làm nên công tái tạo, đứng đầu các vua”. Nhà yêu nước kiệt xuất đầu thế kỷ XX Phan Bội Châu đã tôn vinh Ngô Quyền là vị “Tổ trung hưng nước ta”. Lê Văn Hưu viết: “Tiền Ngô Vương có thể lấy quân mới họp của nước Việt ta mà đánh tan được trăm vạn quân của Lưu Hoằng Tháo, mở nước xưng vương, làm cho người phương Bắc không dám sang nữa. Có thể nói là một lần nổi giận mà yên được dân, mưu giỏi mà đánh cũng giỏi vậy. Tuy chỉ xưng vương, chưa lên ngôi đế, đổi niên hiệu, nhưng chính thống của nước Việt ta ngõ hầu đã nối lại được”.

Tượng đài Đức Vương Ngô Quyền tại Khu di tích Bạch Đằng Giang, Thủy Nguyên, Hải Phòng

Nguồn: Bảo tàng Hải Phòng

M Na

Mô hình trận chiến của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng

Nguồn: Bảo tàng lịch sử quốc gia

Hệ thống chính quyền triều Ngô

BAN QUẢN LÝ KHU DI TÍCH CỔ LOA