NGÔ QUYỀN VỚI CỔ LOA
Ngày 06 tháng 05 Năm 2024

Ngay sau ngày chiến thắng, từ cửa biển Bạch Đằng (thành phố Hải Phòng), Ngô Quyền kéo đại quân về đóng đô ở Loa Thành (thành Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội) để tỏ ý tiếp tục sự nghiệp dựng nước và giữ nước thời Hùng Vương - An Dương Vương, khẳng định quyết tâm giữ vững nền độc lập dân tộc non trẻ vừa mới giành lại được. Ông quyết định bỏ chức Tiết độ sứ của phong kiến phương Bắc, tự x­ưng Vư­ơng. Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết “Kỷ Hợi, năm thứ 1 (939), (). Mùa xuân, vua bắt đầu xưng vương, lập Dương Thị làm Hoàng hậu, đặt trăm quan, chế định triều nghi phẩm phục”. Ông kiên quyết cắt đứt mọi quan hệ lệ thuộc đối với nư­ớc ngoài, xây dựng một chính quyền theo mô hình quân chủ tập trung, một vương quốc thật sự độc lập.

Phạm vi đất nước ta dưới thời nhà Ngô đã được Nguyễn Trãi ghi lại trong Dư địa chí: “Vua Tiền Ngô dẹp quân Hán, khôi phục nước nhà; đất đai thu được, phía Bắc giáp Lưỡng Quảng, phía Nam đến Địa Lý tất cả là hai nghìn tám trăm dặm, phía Đông tiếp với cửa biển ở Khâm Châu, phía Tây giáp tỉnh Vân Nam, tất cả là một nghìn bẩy trăm dặm”. Tư liệu này cho phép hình dung về cơ bản phạm vi nước ta buổi đầu thời kỳ độc lập vẫn là khu vực nước Âu Lạc hơn nghìn năm trước. Lúc này nền độc lập dân tộc tuy mới giành lại được nhưng vẫn còn hết sức non nớt. Đất nước và triều đình nhà Ngô vẫn còn đứng trước muôn vàn khó khăn thử thách, trong đó nguy cơ tái xâm lăng từ phương Bắc và nguy cơ lấn chiếm từ phương Nam vẫn đang hàng ngày, hàng giờ đe doạ.

Đóng đô ở Cổ Loa, Ngô Quyền muốn dựa vào thành cao, hào sâu ở vị trí đầu mối của các luồng đường giao thông thuỷ bộ giữa trung tâm châu thổ sông Hồng, để triều đình trung ương có thể nắm chắc miền châu thổ mà vươn ra quản lý toàn bộ lãnh thổ quốc gia. Tòa thành Cổ Loa được quân dân Âu Lạc xây dựng không chỉ là kinh đô ở trung tâm đất nước mà còn là căn cứ phòng ngự liên hoàn của cả bộ binh và thủy quân với hàng trăm thuyền chiến cơ động hoạt động thông qua hệ thống sông Hoàng Giang, sông Cái, sông Cầu, sông Đuống, sông Lục Đầu... Tòa thành này đến đầu Công nguyên đã được Trưng Vương sử dụng như một phòng tuyến ngăn chặn đoàn quân xâm lược Mã Viện, bảo vệ trực tiếp cho quốc đô Mê Linh. Vào đầu thế kỷ VI, thành Cổ Loa lại được Lý Phật Tử sử dụng như một trung tâm đầu não của nhà nước Vạn Xuân giai đoạn cuối. Mặt khác, suốt trong thời kỳ Bắc thuộc, thấy rõ vị trí trọng yếu của tòa thành Cổ Loa, các chính quyền đô hộ vẫn chọn đây làm nơi đóng quân và nhiều thời vẫn luôn chú ý bồi đắp cho tòa thành thêm kiên cố. Có lẽ vì thế mà đến thời Đường, người phương Bắc gọi thành Cổ Loa là Côn Luân thành với ý nghĩa là toà thành hùng vĩ, kiên cố, dinh lũy của chính quyền đô hộ.

Triều đình nhà Ngô kéo dài 27 năm (938 - 965), đó là một thời gian quá ngắn để vương triều Ngô kiến tạo Kinh đô, vì vậy dấu tích về Ngô Quyền ở Cổ Loa không nhiều. Cho đến nay tại Khu di tích Quốc gia Đặc biệt Cổ Loa còn lưu lại những dấu ấn quan trọng gắn với Ngô Vương Quyền như:

Di tích Mả Tre

 Địa điểm Mả Tre là dọi đất cao ở phía Tây Nam Cửa Nam thành Cổ Loa, sát bên trái đường Cổ Loa từ khu Chợ Sa đi vào đền An Dương Vương, ở giữa vòng Thành Trung và Thành Nội. Năm 2010, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam và Bảo tàng Hàn Quốc đã phối hợp khai quật tìm hiểu địa điểm này, khi tiến hành khai quật đã phát hiện một số di vật quan trọng có niên đại khoảng thế kỷ IX-X. Điều đó cho thấy, dù không phân định rõ ràng hiện vật thời Ngô xuất hiện tại di tích Mả Tre nhưng chúng ta có thể nhận định di tích Mả Tre mang những dấu tích văn hoá thế kỷ X, trong đó bao gồm cả thời kỳ Ngô Quyền.

Đền Thượng

Đền Thượng còn gọi là đền Cổ Loa hay đền thờ An Dương Vương, tương truyền nơi đây là cung thất của vua An Dương Vương (TK III – II TCN) và Ngô Quyền thế kỷ X. Trong đền hiện nay có lưu giữ đôi câu đối về Ngô Quyền

Phiên âm:

Thục Quốc sơn hà nguyên Cổ Việt                                                                            

 Loa Thành cung tẩm xướng Tiền Ngô

 Dịch nghĩa:

Nước Việt non sông nguyên Cổ Việt

Loa thành cung tẩm tự Tiền Ngô

Lạc khoản: Bảo Đại Nhâm Ngọ đông (Mùa đông năm Nhâm Ngọ 1943) do Bản xã Cửu phẩm Văn giai sung Thứ chỉ Nguyễn Tuân, Lý trưởng Hoàng Cảnh, Phó lý Nguyễn Tiết, Hoàng Đồng, Trương Khanh, Trương Cố cùng cung tiến.

Đình Ngự Triều Di Quy

Đình Ngự Triều Di Quy còn được gọi là đình Cổ Loa. Theo truyền thuyết xưa kia nơi dựng đình là điện thiết triều của An Dương Vương (TK III – II TCN) và Ngô Quyền thế kỷ X.

Giếng nước Ngô Quyền

Tương truyền Ngô Quyền đã cho đào giếng trước cửa Nam thành Nội (nay ở vị trí điếm Xóm Chùa), trước kia là giếng đất, về sau dân làng Cổ Loa có sửa chữa xếp gạch, kè đá để lấy nước về ăn.

Cây đa Ngô Quyền

Tương truyền sau khi Ngô Quyền lên ngôi vua, Ngài đã cho trồng một cây đa trước cửa am thờ Mỵ Châu. Người dân “Kẻ Dộc” (nay là xã Dục Tú) cho rằng cây đa được người dân Dục Tú trồng khi Hoàng Hậu sinh Hoàng tử tại Cổ Loa để ghi dấu ngày Hoàng tử ra đời.

Sự kiện Ngô Quyền dựng nước, xưng Vương, định đô tại Cổ Loa là tổng hòa của lịch sử nghìn năm chống Bắc thuộc của cả dân tộc, là bước tiếp nối và nâng tầm trận chung kết lịch sử toàn thắng ở Bạch Đằng, đánh dấu một bước tiến rất dài, rất căn bản của lịch sử Việt Nam.

BAN QUẢN LÝ KHU DI TÍCH CỔ LOA