Cách đây trên 2000 năm, Cổ Loa đã hội tụ tinh khí trời đất, hình thành nhà nước nước Âu Lạc dưới Triều Thục Vương, sau nhà nước Văn Lang của các Vua Hùng. Trải qua hàng ngàn năm, nhưng những bức tường thành vẫn còn hiện hữu, là minh chứng về một Triều đại đã tồn tại từ những năm 257 đến 208 Trước Công nguyên. Những câu chuyện sử gắn với truyền thuyết, huyền thoại về Thần Kim Quy giúp An Dương Vương diệt Bạch Kê Tinh xây thành và tặng vua móng vàng làm nỏ thần chống giặc, cho đến câu chuyện tình đẫm nước mắt của Mỵ Châu khi bị Trọng Thủy lợi dụng tình yêu đánh cắp nỏ thần, khiến An Dương Vương và quân thần thất thủ, mất thành, kết thúc một Triều đại. Những câu chuyện thần thánh đan xen vào lịch sử của một thời kỳ có thật, thể hiện tín ngưỡng đa thần cổ xưa của người Việt trong công cuộc xây dựng đất nước.
Thành Cổ Loa nằm trên địa bàn 4 xã: Cổ Loa, Dục Tú, Việt Hùng, Uy Nỗ. Đền Cổ Loa tọa lạc bên tả ngạn sông Hoàng, trong Thành Nội thuộc xã Cổ Loa, thờ Đức vua An Dương Vương. Những điểm vệ tinh lân cận là 8 làng, gọi là Bát xã Loa thành, tại mỗi làng đều có đình, miếu hoặc am thờ Thánh tổ Hoàng đế An Dương, Mỵ Châu, Thần Kim Quy hay tướng Cao Lỗ... Ngày rằm, mùng một những nơi này đều là điểm để nhân dân trong làng dâng lễ thể hiện lòng thành kính của mình với bậc tiền nhân và nhiên thần. Lễ hội Cổ Loa diễn ra từ ngày mùng 6 đến hết ngày 18 tháng giêng hàng năm, do nhân dân Bát Xã Loa thành thực hiện.
Trung tâm thực hành lễ hội là đền Thượng. Đền Thượng (Cổ Loa – Đông Anh – Hà Nội) thờ Thánh tổ Hoàng đế An Dương và những người có công với dân, với nước. An Dương Vương - người kế tiếp thời đại Hùng Vương, có công lập nước Âu Lạc, chuyển kinh đô từ Phong Châu (vùng Bạch Hạc Việt Trì, Phú Thọ) về Cổ Loa, xây thành, chống giặc, bảo vệ chủ quyền dân tộc, từ 208 - 179 TCN.
Tương truyền ngày Mùng 6 tháng Giêng là ngày Thục Phán nhập cung, Mùng 9 tháng Giêng tiên đế (An Dương Vương) đăng quang và cho khao toàn bộ binh sĩ. Để ghi nhớ công đức của đức vua, dân làng Cổ Loa và các làng khác trong vùng lấy ngày Mùng 6 tháng Giêng làm ngày tổ chức lễ hội. Với người dân Cổ Loa là ngày thiêng liêng, không thể không tham gia lễ hội: “Chết bỏ con bỏ cháu, sống không bỏ Mùng 6 tháng Giêng”.
Theo các thư tịch lịch sử cổ Trung Quốc và Việt Nam ghi chép như: Giao Châu ngoại vực ký, Đại Việt Sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục. Về cơ bản, các tài liệu trên đều cho rằng vào thế kỷ III - II TCN, sau cuộc kháng chiến thắng lợi chống quân Tần xâm lược vào năm 208 TCN, An Dương Vương đã thay thế Hùng Vương và chuyển thế lực từ Việt Trì về Cổ Loa định đô, lập nước Âu Lạc, đắp thành kiên cố phòng vệ và xây dựng đất nước. Tương truyền, thành Cổ Loa đắp hình trôn ốc, có 9 vòng, chu vi 9 dặm, dân cư đông đúc. Sơ lược tổng thuật như sau: Vào thời Hùng Vương, nước Văn Lang gồm 15 bộ lạc, đóng đô ở Phong Châu (vùng Bạch Hạc, Việt Trì, Phú Thọ ngày nay). Thục Phán (tức vua An Dương Vương) vốn là một thủ lĩnh của người Tây Âu, đã liên minh hai bộ tộc Tây Âu và Lạc Việt, tổ chức cuộc kháng chiến chống quân Tần, được các thủ lĩnh người Việt cổ suy tôn làm người chỉ huy cao nhất. Năm 208 TCN, sau cuộc kháng chiến chống quân Tần thắng lợi, Thục Phán được vua Hùng Duệ Vương đời thứ 18 nhường ngôi. Ông lên ngôi, xưng vương, hợp nhất hai bộ tộc Tây Âu và Lạc Việt, đổi tên nước là Âu Lạc, tiếp nối sự nghiệp của vua Hùng. An Dương Vương đã quyết định dời vị trí trung tâm của đất nước từ vùng đất cũ của Hùng Vương xuống Cổ Loa là vùng đất cao của đồng bằng châu thổ sông Hồng, rộng lớn, trù phú và đông đúc dân cư, giao thông thủy bộ đều thuận lợi, lại có địa hình được bao bọc bởi những dòng chảy lớn thông nước với sông Hồng và sông Cầu. Đó là sông Hoàng Giang mà ngày nay dấu vết của nó còn rõ nét với những đoạn gọi là sông Thiếp hay sông Ngũ Huyện Khê (sông chảy qua 5 huyện: Yên Lãng, Kim Anh, Đông Ngàn, Yên phong, Tiên Du). Theo đường thủy, có thể ngược lên phía Bắc hay Tây Bắc, cũng có thể xuôi xuống vùng Đông Bắc hay Đông Nam, tỏa xuống các vùng ven biển, phù hợp cho việc lập kinh đô, xây thành, đắp lũy, chống giặc.
An Dương Vương chỉ huy quân và dân Âu Lạc, trong một thời gian ngắn đã xây dựng xong một tòa thành đồ sộ và độc đáo. An Dương Vương đã tận dụng triệt để những yếu tố tự nhiên về địa hình, địa vật để tạo ra một tòa thành cao hào sâu, có đủ các yếu tố thuận lợi cho phòng thủ và tấn công: Thủy bộ liên hoàn, trong ngoài kết hợp, ta thì tiến thoái đều nhanh, địch thì khó bề xâm phạm. Với sự đoàn kết quân dân, lại có thứ vũ khí bắn tên huyền thoại - “Nỏ thần”, An Dương Vương đã nhiều lần đánh bại quân Triệu Đà xâm lược.
Năm 206 TCN, nhà Tần mất, Triệu Đà ở quận Nam Hải, đã đánh chiếm quận Tượng và Quế Lâm, thành lập nước Nam Việt, đóng đô ở Phiên Ngung, luôn muốn mở rộng đất đai xuống phương Nam, cai trị Âu Lạc.
Mặc dù sự tồn tại của nhà nước Âu Lạc không dài trong lịch sử dân tộc, nhưng dấu ấn của nó rất đậm nét và giai đoạn lịch sử này, được nhân dân ở đây truyền tụng như những huyền thoại hào hùng và bi tráng. Sự tồn tại của thành Cổ Loa hơn hai ngàn năm đến nay là minh chứng hùng hồn về giai đoạn lịch sử ấy, chứng tỏ một tài năng quân sự lỗi lạc của An Dương Vương, sức lao động bền bỉ và tinh thần quật cường bất khuất của nhân dân ta thời sơ sử.
Truyền thuyết về An Dương Vương xây thành Cổ Loa được người Việt Nam nhắc đến nhiều nhất, bởi nó gắn với lịch sử thời đại dựng nước và giữ nước đầu tiên, văn hóa người Việt cổ và gợi nhớ đến cội nguồn dân tộc. Lễ hội Cổ Loa gắn với vị thần chủ quan trọng, là vị vua lập nước Âu Lạc và xây dựng “kinh thành” Cổ Loa/ ngôi thành có lịch sử lâu đời đã được xếp hạng là di tích Quốc gia đặc biệt. Cả một thiên huyền thoại về An Dương Vương xây dựng kinh đô, dựng nước, chống giặc, sống mãi trong lòng nhân dân và được truyền tụng qua nhiều đời với sự biết ơn và ngưỡng mộ. Chính vì vậy, trong những làng, xã vùng thành Cổ Loa, đều có đền, đình, am, miếu thờ phụng nhà Vua và những người có công với dân với nước. Có thể kể đến đầu tiên là ở các địa phương thuộc “Bát xã Loa thành”: Cổ Loa, Văn Thượng, Mạch Tràng, Sằn Giã, Ngoại Sát, Đài Bi, Cầu Cả và Thư Cưu trong đó, đền chính thờ An Dương Vương ở Cổ Loa được coi là “Tiên Từ Đệ nhất”.
Cuốn “Ngọc phả cổ lục” hiện còn lưu giữ tại đền Thượng chép “thần sinh ngày 11 tháng Tám, hóa ngày (vua băng hà) Mùng 7 tháng Ba, ăn Sêu bà Chúa ngày 13 tháng Tám”.
Tại đền Cổ Loa còn lưu giữ 21 sắc phong của các triều đại phong kiến Lê - Nguyễn ban cho An Dương Vương với sự tôn kính, ngưỡng mộ là “bậc hùng tài trong thiên hạ” có công dựng nước và cho phép nhân dân Cổ Loa đời đời phụng thờ tại đền Cổ Loa (nay thuộc Khu di tích Cổ Loa, xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội). Nhân dân xã Cổ Loa, từ xưa (thời Lê) đã được triều đình cho phép tổ chức tế lễ, thờ phụng An Dương Vương, duy trì phong tục, tập quán nên được gọi là dân “tạo lệ”; được miễn trừ thuế, tạp dịch và cử người trông nom cúng lễ thường xuyên (các lệnh chỉ, lệnh dụ thời Lê, Nguyễn cho biết rõ điều này).
Lễ hội Cổ Loa trước đây được tổ chức thường xuyên từ 3 năm đến 5 năm một lần trong 12 ngày, từ Mùng 6 đến 18 tháng Giêng, nếu là năm “phong đăng hòa cốc” Cổ Loa mở hội rất lớn do “Bát xã hộ nhi” tổ chức, trong đó Cổ Loa là chủ lễ. Sau năm 1952, lễ hội không còn sự tham gia của “Bát xã hộ nhi”, mà do làng Cổ Loa duy trì tổ chức hội làng với quy mô nhỏ, lễ nghi đơn giản, có tế lễ và một số trò chơi dân gian. Đến năm 1990, lễ hội có sự tham gia của Bát xã Loa Thành tức “Bát xã hộ nhi” được khôi phục lại và tổ chức hàng năm. Hiện nay, lễ hội này được tổ chức trong 2 ngày (Mùng 5 - 6), Mùng 6 là chính hội, với quy mô lớn, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước của thành phố Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội, Ban quản lý khu di tích Cổ Loa, chính quyền các cấp huyện - xã, cộng đồng ở các thôn có thực hành lễ hội và trở thành một lễ hội quan trọng, lớn của cả nước.
Lễ hội Cổ Loa năm 1940
(Ảnh: Tokin)
Sau ngày Mùng 6 tháng Giêng, 7 làng còn lại trong “Bát xã hộ nhi” tổ chức lễ hội tại làng mình cho đến ngày 18 tháng Giêng mới dã đám, kết thúc lễ hội Cổ Loa (ngày Mùng 8 lễ hội làng Văn Thượng, Mùng 9 lễ hội làng Ngoại Sát, Đài Bi, Mùng 10 lễ hội làng Mạch Tràng, ngày 11 lễ hội làng Cầu Cả, ngày 13 lễ hội Sằn Giã, ngày 16 lễ hội làng Thư Cưu).
Lễ hội Cổ Loa – Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia là một trong những lễ hội lớn ở vùng châu thổ Bắc Bộ có quy mô thực hành rất lớn, phản ánh sâu sắc về cội nguồn và truyền thống đấu tranh dựng nước, giữ nước hết sức hào hùng của dân tộc qua mấy nghìn năm lịch sử. Các nghi thức tế - lễ - rước, trò chơi dân gian trong lễ hội được trình diễn, gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của Cổ Loa, góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.
Ths. Hoàng Công Huy
Ths. Trịnh Ngọc Huân