SƯU TẬP KHUÔN ĐÚC CỔ LOA – BẢO VẬT QUỐC GIA
Ngày 19 tháng 11 Năm 2021

Ngày 31 tháng 12 năm 2020, Sưu tập khuôn đúc Cổ Loa được công nhận là bảo vật quốc gia tại Quyết định số 2283/QĐ-TTg của Thủ Tướng Chính phủ.

Năm 2004, Viện Khảo cổ học phối hợp với Ban Quản lý Di tích và Danh thắng Hà Nội, đào thám sát và khai quật khảo cổ học trước khi trùng tu di tích đền Thượng, đã làm xuất lộ di tích Lò đúc đồng (đúc mũi tên đồng ba cạnh). Đây là phát hiện mới quan trọng và giá trị để giải mã bí mật huyền thoại nỏ thần thời kỳ An Dương Vương. Năm 2006 và 2007, Trung tâm Bảo tồn di tích Cổ Loa - Thành Cổ (nay là Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội) tiếp tục phối hợp với Viện Khảo cổ học khai quật tại đền Thượng và phát hiện ra hệ thống dấu tích khu lò đúc đồng và nhiều mang khuôn đúc mũi tên bằng đá.

Vị trí phát hiện mang khuôn đúc bằng đá

Sưu tập khuôn đúc Cổ Loa được phát hiện cùng với di tích lò đúc, trong đó có lò còn rõ cấu trúc đường ống dẫn gió vào lò, những tàn tích than tro của nhiên liệu đốt đậm đặc, quanh nơi có lò luyện, kết hợp với những mang khuôn nguyên vẹn, mang khuôn vỡ, phác vật khuôn, phế vật, phế thải bỏ lại trong quá trình làm khuôn và nhiều đá nguyên liệu chế tạo khuôn, cùng sản phẩm của lò đúc là những mũi tên đồng, mảnh nồi nấu, xỉ đồng. Niên đại được các nhà khảo cổ học xác định thuộc lớp văn hóa giai đoạn Cổ Loa (tương đương giai đoạn văn hóa Đông Sơn - sơ kỳ thời đại đồ sắt), thế kỷ III - II trước Công Nguyên, tương đương thời kỳ An Dương Vương, nhà nước Âu Lạc. 11 mang khuôn đúc bằng đá, trong đó có 10 mang khuôn đúc mũi tên ba cạnh và 1 mang đúc mũi lao hình cánh én, được chế tác từ một loại đá (sa thạch) hạt mịn, mềm, rất phù hợp với chất liệu đá làm khuôn đúc. Đây là những hiện vật gốc, độc bản, phát hiện duy nhất được biết cho tới nay ở Việt Nam, có giá trị đặc biệt, được tôn xưng như một danh từ riêng: Mũi tên đồng Cổ Loa.

Mặt trong, mặt ngoài và bản vẽ mang khuôn đúc mũi tên đồng ba cạnh

Trong số 10 mang khuôn đúc mũi tên đồng ba cạnh có hai mang khuôn mặt ngoài được mài nhẵn và khắc chìm minh văn (chữ Hán), như vậy cho thấy nhà nước Âu Lạc, thời kỳ An Dương Vương dùng chữ Hán để khắc trên các hiện vật quan trọng (khuôn đúc, trống đồng).

Mang khuôn khắc chữ Hán

Bản dập minh văn (chữ Hán ?) của mang khuôn ký hiệu 05ĐT.H3.L4-3.F3:1. Phiêm âm được một chữ: “Thần”, viết:  “臣”, tạm dịch nghĩa: “Quan”. Chữ còn lại chưa giải mã được.

Bản dập minh văn (chữ Hán) của mang khuôn ký hiệu 05ĐT.H3.F3.L2:49. Phiêm âm: Nhân”, viết:  “”, dịch nghĩa: “Người”.

Mang khuôn đúc mũi lao hình cánh én

Minh họa quy trình đúc mũi tên đồng ba cạnh từ khuôn ba mang

Bảo vật quốc gia Sưu tập khuôn đúc Cổ Loa đang được quản lý và phát huy giá trị tại Nhà trưng bày Ban Quản lý Khu di tích Cổ Loa.

BAN QUẢN LÝ KHU DI TÍCH CỔ LOA