THÔN CẦU CẢ
Ngày 22 tháng 12 Năm 2024

Thôn Cầu Cả vào khoảng thế kỷ XIX thuộc xã Uy Nỗ Thượng, tổng Xuân Canh,  huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, Bắc Ninh. Năm Tự Đức 29 (1876) tổng Cổ Loa và 2 tổng Tuân Lệ, Xuân Canh được tách khỏi huyện Đông Ngàn, cùng với một số tổng của 2 huyện Kim Anh, Yên Phong để thành lập huyện Đông Anh, thuộc phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Thôn Cầu Cả vẫn thuộc địa phận hành chính này. Ngày 17/06/1949 Uỷ ban kháng chiến hành chính Liên khu I ra Quyết định 361 PC/1 hợp nhất xã Thục Vương với xã Đạt Tam, các thôn Cầu Cả, Đài Bi của xã Uy Sơn thành xã Hồng Lạc. Năm 1949, thôn Cầu Cả trực thuộc xã Độc Lập do xã Hồng Lạc đổi tên thành. Sau cải cách ruộng đất (năm 1954) xã Độc Lập đổi tên thành xã Quyết Tâm gồm các thôn: Cổ Loa, Cầu Cả, Đài Bi, Mạch Tràng, Sàn Dã, Thư Cưu. Năm 1965, xã Độc Lập đổi tên thành xã Cổ Loa. Từ đó cho đến ngày nay thôn Cầu Cả, là một trong 15 thôn, xóm thuộc xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.

Toàn bộ thôn Cầu Cả nằm bên ngoài cả ba vòng thành khu di tích Cổ Loa về phía Tây và Tây Bắc, có địa giới hành chính:

           - Phía Tây: giáp sông Hoàng Giang.

           - Phía Đông: giáp cánh đồng phía ngoài thành ngoại.

           - Phía Đông Nam: giáp thôn Mạch Tràng.

           - Phía Đông Bắc: giáp thôn Sằn (tức Sằn Giã).

Trước đây thôn có tên là thôn Cầu Kỳ. Tương truyền khi xưa nơi đây là một trong tám trấn bảo vệ thành Cổ Loa từ phía ngoài do tướng quân Lý Tâm Viễn trấn giữ. Theo dân gian giải thích thì sở dĩ thôn có tên Cầu Cả là vì thôn nằm ngay cạnh sông Hoàng Giang, xưa nơi đây có cầu bắc qua sông gọi là Cầu Tháng Năm (Ngũ Nguyệt kiều). Cũng có cách giải thích khác rằng đây là nơi vua Thục An Dương Vương thường ngự thuyền ra tắm hoặc là vua hay đi thuyền đến đây để về quê vợQua khảo sát thôn Cầu Cả thấy có một số địa danh cổ: Cổng Xứ, Cửa Làng, Ao Dơ (còn được gọi là Bãi Đài), Đầu Chùa, Đội Lộc, Đồng Chài, ao Lò Vôi Quan, Tờ Chỉ, Ngũ Nguyệt Kiều, Vườn Áng, Vườn Lạc được giải thích gắn với truyền thuyết về vùng đất Âu Lạc cổ xưa.

Theo các bản gia phả cho biết trước đây hai dòng họ đến lập làng sớm nhất là họ Đồng và họ Nguyễn (họ Đồng đến Cầu Cả nay được 13 đời - tính đến ông Đồng Đạo Phúc và họ Nguyễn được 12 đời - tính đến ông Nguyễn Văn Vận - trưởng họ Nguyễn). Đây là hai dòng họ có số lượng người đông nhất trong thôn hiện nay ngoài ra còn có họ Đỗ, họ Vũ và họ Trần.

Cuốn Đồng tộc thế phả cho biết họ Đồng vốn có gốc từ Thanh Hoá ra, xa xưa hơn nữa họ Đồng vốn là người Trung Quốc, cụ tổ làm chức Tư mã, song do bị triều đình truy bắt nên họ đã thêm một nét sổ xuống bên cạnh chữ "Tư", trở thành chữ "Đồng". Đáng chú ý trong bản gia phả này là có ghi chép về 16 điều răn dậy con cháu trong nhà gọi là Gia quy thập lục ngôn.

Cuốn gia phả họ Nguyễn (Nguyễn thị thế phả) được viết vào năm Tự Đức thứ 20 (1867), soạn giả là ông Nguyễn Tất Tố, tước phong Đôn Túc công, tự là Tá Khanh, huý Tố, đậu Cử nhân khoa Mậu Thìn (1866), làm Tri phủ Điện Bàn năm 1884, hiện đang được lưu giữ tại nhà ông Nguyễn Văn Vận (trưởng họ Nguyễn). Theo cuốn gia phả này cho biết họ Nguyễn ở thôn vô cùng đông đảo nhiều chi phái, mỗi chi phái lại có cuốn gia phả riêng ghi rõ ngọn ngành tông tộc.

Gia phả của chi thứ nhất họ Nguyễn hiện do ông Nguyễn Văn Viên ngoài phần chung về tiểu sử bốn cụ tổ (từ đời thứ nhất đến đời thứ tư), bản gia phả này lấy ông Nguyễn Tất Tố (đời thứ năm) làm trưởng chi. Về cơ bản, cuốn gia phả này ghi chép những câu chuyện về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của ông Nguyễn Tất Tố. Ngoài ra có chép: La ấp từ đường bi ký (ghi chép về những ngày ông Tố dậy học ở La ấp) và Bản niên phả ghi lại toàn bộ cuộc đời của ông Nguyễn Tất Tố.

Về tổ chức trong thôn xưa ta thấy thôn được tổ chức và sinh hoạt theo đơn vị Giáp. Thôn Cầu Cả xưa có bốn giáp: Đông, Đoài, Nam, Bắc. Các thành viên nam trong làng khi đến tuổi 18 thì được vào giáp sau khi đã nộp một số tiền nhất định cho giáp ấy. Nếu không có tiền thì có thể mang chè nước đồng thời làm một số công việc phục dịch trong thôn, sau một thời gian sẽ được chính thức trở thành thành viên của giáp. Khi tham gia vào tổ chức giáp, các thành viên phải tuân theo các quy định và thực hiện những nghĩa vụ của giáp, chủ yếu là trong công việc tang ma, hiếu hỷ. Mọi sinh hoạt của giáp chủ yếu được diễn ra tại đình, mỗi giáp họp riêng, ngồi theo thứ tự, vị trí của mình đã được khắc trên cột cái của đình. Thường thì hai giáp ngồi chung một sập ở đình. Người từ 70 tuổi trở lên được ngồi trên sập, dưới 70 tuổi thì ngồi ở dưới đất. Đến những ngày lễ hội lớn của làng Cổ Loa thì bốn giáp của thôn Cầu Cả lại họp bàn để phân công các công việc chuẩn bị cũng như số lễ vật phải đóng góp.

 Trong thôn hiện nay còn có các công trình kiến trúc văn hoá, tín ngưỡng, tôn giáo tiêu biểu như đình Cầu Cả thờ An Dương Vương, Am Mỵ Châu và chùa Cầu Cả. Đình Cầu Cả hiện nằm ở khu vực giữa thôn, trên một khu đất không rộng lắm. Đình quay hướng nam, nơi có sông Hoàng Giang chảy qua. Trước đây đình ở bên ngoài cách đồng (phía đầu làng, trên khu vực có tên là Ao Quan). Khoảng những năm 1920 đình được chuyển về vị trí hiện nay. Chính vì đình nằm ở giữa thôn nên khi xây dựng người ta đã không làm đầu đao để tránh trường hợp “góc ao đao đình”, vì cho rằng đầu đao hướng vào nhà ai thì nhà đó không gặp may mắn.

Am thờ công chúa Mỵ Châu nằm về phía bên trái ngôi đình làng. Am có diện tích không rộng lắm, chỉ khoảng vài mét vuông, được xây bằng gạch và không có cửa để đóng mở. Bên trong có đặt một cỗ ngai và một bài vị, phía ngoài cửa có một đôi câu đối. Am Mỵ Châu có ba đạo sắc phong, hiện đang được lưu giữ chung trong đình.

Chùa Cầu Cả (Uy Như tự) hiện nay nằm cạnh nhà mẫu giáo của thôn. Chùa được xây dựng với lối kiến trúc và hoa văn trang trí đơn giản. Niên đại xây dựng ngôi chùa được ghi trên thượng lương là năm Khải Định thứ 6 (1921). Chùa gồm hai khu nhà: khu thờ Phật và khu thờ mẫu.

Cầu Cả là một thôn lớn trong toàn xã Cổ Loa, là một trong “Bát xã Loa thành” khi xưa.

BAN QUẢN LÝ KHU DI TÍCH CỔ LOA