THÔN HƯƠNG
Ngày 23 tháng 12 Năm 2024

Thôn Hương xưa có tên là Hương Giai hay Hương Nhai, dân gian quen gọi là phố Hương, Ngõ Hương... Thôn nằm giữa vòng thành Nội và thành Trung về phía bắc, có địa giới hành chính:

- Phía Nam: giáp thôn Chợ.

- Phía Bắc: giáp thôn Nhồi dưới.

- Phía Đông: giáp thôn Vang.

- Phía Tây: giáp thôn Dõng.

Thôn Hương có các dòng họ: Trương, Đào, Nguyễn, Lại, Đào Duy, Hoàng…, trong đó họ Trương, Nguyễn là hai họ lớn nhất trong làng. Họ Trương vốn có gốc gác từ thôn Chùa, còn họ Nguyễn thì từ thôn Vang tới sinh sống.

Cổ Loa khi xưa chia thành 4 giáp giáp gồm: Đông Nhất, Đông Nhì, Đông Tam, Đoài Tự, trong đó xóm Hương thuộc giáp Đông Nhì. Thanh niên đủ 18 tuổi thì vào giáp. Từ 50 tuổi trở lên nếu có cỗ xôi gà đến lễ ở đền thì không phải gánh sưu thuế. 60 tuổi trở lên phải gánh lão sau khi đã mời các cụ chè nước ở Cầu Lão. Khi tham gia giáp thì phải làm các nghĩa vụ cũng như các quy định của giáp. Nếu một thành viên trong giáp có người nhà bị chết thì những người của giáp đó phải có nghĩa vụ đến khiêng quan tài, không được để người khác đến khiêng hộ. Đứng đầu giáp là trưởng giáp có nhiệm vụ thu sưu thuế để nộp cho làng, thẻ đỏ (những người có ruộng) nộp 3 đồng, thẻ xanh (những người không có ruộng) đóng 1 đồng.

Trước đây thôn Hương kết nghĩa với Xuân Dục, sau này thì kết nghĩa giữa các thôn trong làng Cổ Loa với nhau (thôn Hương kết chạ với thôn Chùa và thôn Mít nên gọi là tam thôn). Từ chỗ kết nghĩa sinh ra cách gọi anh cả (chạ anh, chạ em). Tương truyền ngày ăn yến là ngày hội rất to, cỗ linh đình để thết bạn. Cỗ yến thường chỉ ngồi 4 người một mâm, gồm 8 bát, 8 đĩa thịt trâu, thịt lợn và trong cỗ yến thì không có rau, chỉ toàn ăn thịt. Trong khi ăn yến có hát chầu văn cả đêm.

BAN QUẢN LÝ KHU DI TÍCH CỔ LOA