THÔN MẠCH TRÀNG
Ngày 22 tháng 12 Năm 2024

Thôn Mạch Tràng trước là xã Mạch Tràng thuộc tổng Xuân Canh, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, trấn (xứ) Kinh Bắc và là một trong “bát xã hộ nhi”, nay là thôn Mạch Tràng thuộc xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội.  Mạch Tràng là thôn nằm bên ngoài ba vòng thành Cổ Loa. Phía Bắc làng giáp với hào và bờ thành ngoại, phía Nam giáp với sông Hoàng Giang - con sông đóng vai trò như một hệ thống hào tự nhiên của thành Cổ Loa. Khi xưa làng có hệ thống luỹ tre độc lập và khép kín. Giáp giới của thôn Mạch Tràng với các xóm trên bản đồ xã Cổ Loa hiện nay như sau:

  • Phía Bắc giáp xóm Gà, xóm Lan Trì (thuộc xã Cổ Loa), ngăn cách bởi vòng thành trung và thành ngoại.

  • Phía Nam và Tây Nam giáp xã Đông Hội và xã Xuân Canh, ngăn cách bởi sông Hoàng Giang.

  • Phía Tây Bắc giáp thôn Cầu Cả (xã Cổ Loa).

  • Phía Đông giáp xóm Mít (xã Cổ Loa).

Tên gọi Mạch Tràng theo dân gian giải thích rằng: Mạch là chỉ cây lúa mạch mà khi xưa kia làng chuyên trồng. Tràng đọc chệch âm của chữ Trường vì nơi đây vốn là trường thi thời vua Thục. Truyền thuyết dân gian kể lại, khi xưa đây cũng là một trong tám trấn của kinh thành Cổ Loa, do tướng quân Ngô Nam Tự trấn giữ.

Xưa làng có 4 giáp: Đông, Nam, Đoài, Bắc; có 4 xóm: Chùa, Ngói, Giữa, Trì. Bốn xóm đều có 4 điếm riêng. Mỗi giáp đứng đầu là một trưởng giáp, đứng đầu xóm là một trưởng xóm. Mỗi năm các xóm đều có lễ tiết riêng, các gia đình ngoài gửi hậu đình, chùa, còn gửi ở xóm, phe.

Ruộng đất công của làng được chia đều cho giáp, sau đó giáp chia đều cho số đinh trong giáp, do vậy phần ruộng của các thành viên trong làng thuộc các giáp khác nhau không đều nhau. Ruộng đất của các giáp nằm ở những cánh đồng xen kẽ nhau: “Đông giao, Bắc nhận cạnh Đoài”.

Việc phân chia giáp theo tình trạng "xôi đỗ", ở xen kẽ giữa các thành viên thuộc các giáp. Do tình trạng không đồng đều về số nhân khẩu, nên có hiện tượng ở những giáp đông thành viên thì con trưởng được ở lại theo giáp bố, còn con thứ thì theo về giáp mẹ. Về sau, sinh ở giáp nào là người giáp ấy.

Các dòng họ chính trong làng hiện nay: Nguyễn, Đào, Đặng, Cao, Trần, Bùi, Ngô, Hoàng, Dương... với từ đường của một số họ như họ Nguyễn (Nguyễn tộc đường), từ đường họ Đặng, từ đường chi thứ hai họ Đặng

Công trình kiến trúc văn hoá, tín ngưỡng, tôn giáo trong thôn là: đình Mạch Tràng, đền Mạch Tràng (Trấn Linh từ), chùa Mạch Tràng (Linh Quang tự).

Đình Mạch Tràng thờ vua An Dương Vương. Đình quay hướng tây nam, nằm phía tây nam của làng, cạnh cánh đồng đi lên thôn Cầu Cả. Trước đây đình cũ đã bị phá trong thời chiến tranh. Gần đây, đình được nhà nước đầu tư kinh phí nên đã tiến hành xây dựng lại trên dải đất xưa với quy mô bề thế hơn.

Đền Mạch Tràng thờ công chúa Mỵ Châu. Đền nằm phía trước, bên phải đình chính và song song với nhà tiền tế, hướng tây nam. Đền mới được xây dựng lại cùng với ngôi đình làng, gồm ba gian tiền đường và một gian hậu cung, bên trong có treo một đôi câu đối mới.

Sau nhiều lần di chuyển, chùa Mạch Tràng hiện nay nằm ở khu vực phía Tây làng, liền sát với ngôi đình về phía Đông. Chùa xây hướng Nam. Toàn bộ quần thể di tích trong khuôn viên chùa gồm có: 7 gian chùa + 3 gian Tam bảo, bên trong có tổng cộng 62 pho tượng lớn nhỏ, 7 hoành phi, 7 đôi câu đối, 1 chuông cũ.  Phía sau chùa là nhà Tổ và điện Mẫu, gồm 5 gian tiền đường và 1 gian hậu cung. Chùa được nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hoá năm 1998.

 Những di tích cũ trong thôn nay chỉ còn những dấu tích là: văn chỉ, nghè Mạch Tràng, cầu Tháng Năm, cầu Khuyến Nông, cổng làng.

Văn chỉ phía Tây làng, bên ngoài cánh đồng phía đi lên thôn Cầu Cả.

Nghè Mạch Tràng hay còn gọi là đình Ba Chạ, vì đây là đình chung của 3 làng: Mạch Tràng, Văn Thượng, Ngoại Sát. Trước đây, trong ngày hội mồng 6 tháng giêng hàng năm, sau khi 3 làng đến tế ở Đền Thượng thì về tụ hội tại đây làm lễ, xong 3 làng chia nhau ra về. Đình Ba Chạ trước gồm 3 gian, 1 hậu cung, nằm cạnh khu văn chỉ. Nghè và khu văn chỉ đều bị Nhật phá năm 1943.

Cầu Tháng Năm trước là một cây cầu tre bắc qua đầm Tháng Năm (một đoạn của sông Hoàng Giang) ở phía tây nam thôn Mạch Tràng. Hai làng Văn Thượng và Ngoại Sát đi tế lễ sang Cổ Loa phải qua cầu này. Sau khi cầu bị phá (không nhớ chính xác năm nào) nhân dân phải đi đò sang, gọi là đò Tháng Năm.

 Cầu Khuyến Nông xưa ở phía tây làng, Cầu Miễu ở phía đông xưa đều có ba gian lợp ngói, là nơi nghỉ chân cho những người ra đồng.

 Xưa làng có 4 cổng dẫn đều xây bằng gạch. Cổng phía đông gọi là cổng Chùa (vì trước có ngôi chùa ở đây), cổng tây gọi là cổng Đình, cổng nam là cổng Đồng, cổng bắc là cổng Sau, về sau cả 4 cổng đều bị phá.

BAN QUẢN LÝ KHU DI TÍCH CỔ LOA