THÔN THƯỢNG
Ngày 23 tháng 12 Năm 2024

Thôn Thượng gồm ba đơn vị là xóm Thượng, xóm Bãi, xóm Thư Cưu (thường gọi tắt là làng Cưu) hợp thành đơn vị hành chính cấp thôn. Nhân dân trong vùng thường gọi thôn này là khu vực Thượng - Cưu - Bãi.

Toàn bộ thôn Thượng nằm ở phía bắc và đông bắc thành Cổ Loa, có ranh giới giáp với các xã và thôn xung quanh:

- Phía bắc giáp vòng thành ngoại, phía ngoài là xã Uy Nỗ.

- Phía đông giáp vòng thành ngoại, phía ngoài là xã Việt Hùng.

- Phía tây và phía nam giáp xóm Hương (xã Cổ Loa).

- Phía đông nam giáp xóm Vang (xã Cổ Loa).

Thôn Thượng nằm ở vị trí trung tâm, làng Thư Cưu ở về phía đông, xóm Bãi ở về phía tây bắc. Thôn Thượng là thôn lớn nhất trong 3 đơn vị. Do vậy thôn Thượng được lấy làm tên chung cho cả thôn vốn là ba đơn vị riêng biệt. Dòng họ lớn nhất trong xóm là họ Đỗ, với ba chi khác nhau. Thôn Thượng xưa thường kết chạ với Văn Xá, Đản Dị (Uy Nỗ), xóm Mít và xóm Nhồi.

Làng Thư Cưu được coi là gốc xưa nhất trong “bát xã hộ nhi”. Tương truyền làng có tên Thư Cưu (Kưu) vì khi xưa khu đất này là khu bếp nấu của vua An Dương Vương, lại có người cho rằng sở dĩ có tên Thư Cưu vì khi xưa đây là thư viện của vua An Dương Vương.

Xưa, Thư Cưu tuy nhỏ, dân số ít, nhưng là một xã thuộc tổng Cổ Loa nên có đầy đủ cả bộ máy quản lý hành chính riêng, như lý trưởng, phó lý... Làng có 3 xóm: xóm Ngõ Trên, xóm Ngõ Giữa và xóm Ngõ Dưới, lại được chia thành 3 giáp: Giáp Nhất, Giáp Nhì và Giáp Tam. Thế lực của từng giáp phụ thuộc vào số ruộng giáp ấy có trong tay. Nay làng chia thành hai đội tự quản. Hiện nay làng Cưu vẫn là làng nhỏ nhất trong xóm, với khoảng 40 hộ gia đình.

Dòng họ lớn nhất trong làng Cưu là họ Nguyễn, tục truyền từ huyện Thạch Thất - Hà Tây xuống. Họ gồm có hai chi, nên xưa kia người trong làng không lấy nhau, trai gái phải đi lấy chồng, lấy vợ ở làng khác. Tuy nhiên, theo bia “Hậu thần bi kí” lập năm Kỷ Hợi, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 15 (1719) thì ở thời điểm này Thư Cưu đã là một xã. Có lẽ sau vài chục năm, vào đầu thế kỉ XVIII trước tác động của phong trào khởi nghĩa nông dân, làng bị phiêu tán nên chỉ còn lại rất ít người và nhà nước cho lập xã Thư Cưu thành một thôn độc lập thuộc xã Lương Quán. Sau năm 1954 thì Thư Cưu thuộc về thôn Thượng xã Cổ Loa.

Làng Cưu nay tuy về mặt hành chính thuộc thôn Thượng quản lý, nhưng lễ hội ngày mồng 6 tháng Giêng hàng năm vẫn tổ chức riêng theo lệ cũ.

 Xóm Bãi khi xưa là vùng đất hoang vu, cây trám mọc um tùm, có cả hổ, báo sinh sống. Sau đó có hai cụ từ xóm Vang và một cụ từ xóm Chùa (đều mang họ Nguyễn) mang theo gia đình lên đây khai khẩn, lập xóm. Xóm Bãi còn có tên là Ngõ Bài. Vào những năm 60, cả xóm chỉ có khoảng hơn chục hộ, nay đã lên tới 50 - 60 hộ, với hơn 200 nhân khẩu. Ban đầu xóm Bãi không tổ chức lễ hội riêng, mà các gia đình đến từ làng nào khi làng ấy có hội thì về dự. Nay mọi sinh hoạt văn hoá đều chung với thôn Thượng.

Các dòng họ chính trong thôn: Đào, Nguyễn, Đỗ, Lê, Chu..., trong đó đa số là họ Nguyễn.

Thôn Thượng - Cưu - Bãi nằm hoàn toàn tách biệt so với các thôn/xóm còn lại của xã Cổ Loa. Đại bộ phận dân cư là thuần nông. Một bộ phận dân cư tụ cư dọc theo tuyến đường từ Cổ Loa lên Tó nên có thêm nghề phụ là bán hàng tạp hoá.   

BAN QUẢN LÝ KHU DI TÍCH CỔ LOA