TRẢI NGHIỆM: IN TRANH HÌNH ẢNH KHU DI TÍCH CỔ LOA
Ngày 22 tháng 12 Năm 2020

Tranh dân gian Việt Nam có lịch sử rất lâu đời, đã từng có thời gian phát triển rất mạnh mẽ, ngày nay nó có phần giảm sút nhưng vẫn còn được giữ gìn bảo tồn trong một số làng nghề và một số gia đình làm tranh. Do ra đời để đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của người dân, gắn bó chặt chẽ với đời sống thường nhật của người dân nơi thôn dã cho nên đề tài của tranh hết sức phong phú. Tranh phản ánh từ những gì gần gũi, thân thiết nhất với người dân cho đến những điều thiêng liêng cao quý trong các tranh thờ.

Tranh dân gian cần phải có số lượng lớn cho người dân mà giá cả không được đắt. Vì thế mà người làm tranh đã sử dụng phương pháp khắc ván rồi từ đó sao in ra nhiều bức tranh. Nhìn chung cách in tranh chủ yếu là sử dụng ván khắc. Các bản ván khắc chủ yếu làm từ gỗ.

Đến với Khu di tích Cổ Loa, du khách sẽ được khám phá các thao tác để tạo ra một bức tranh truyền thống. Các nghệ nhân đã khắc lên bản gỗ đường nổi thể hiện đường nét di tích, hiện vật về Khu di tích Cổ Loa như: thành Cổ Loa, nghi môn đền Thượng, trống đồng, nỏ Liên Châu... Tranh thường được in trực tiếp lên giấy. Đặc điểm của loại giấy này là độ bền rất cao, mà lại xốp nhẹ, không nhoè khi viết vẽ, ít bị mối mọt, hoặc giòn gãy, ẩm nát. Với đặc tính chống ẩm rất cao, giấy dó giúp cho các bức tranh không bị ẩm mốc, trường tồn cùng thời gian. Du khách được hướng dẫn và cung cấp nguyên liệu (mực in, ván in, giấy dó,…). Sau đó dùng con lăn nhúng vào âu mực (không đậm quá), bồi mực lên bìa mực, lấy bản khắc gỗ dập nhẹ để cho đều mực, căn chuẩn vào tờ giấy dó, một tay giữ giấy lật ngửa, dùng xơ mướp xoa đều mặt sau của tờ giấy, đếm 1.2.3 và bóc tranh. Tranh để khô mực, du khách mang về làm kỷ niệm.

          Việc đưa hình ảnh di tích và di vật vào trong dòng tranh dân gian giúp di tích đến gần hơn với cộng đồng để xem hiểu, thực hành cũng là cách hữu hiệu để bảo tồn gìn giữ các di sản văn hóa của dân tộc.

Học sinh trải nghiệm in tranh tại Khu di tích Cổ Loa

BAN QUẢN LÝ KHU DI TÍCH CỔ LOA