Ngô Quyền, vị anh hùng dân tộc gắn liền với chiến công hiển hách đánh bại quân giặc phương Bắc xâm lược trên sông Bạch Đằng (năm 938), chấm dứt hơn một nghìn năm Bắc thuộc, mở ra kỷ nguyên độc lập lâu dài và phát triển vượt bậc của dân tộc Việt Nam. Sau khi chiến thắng giặc ngoại xâm, Ngô Quyền đã nối tiếp quốc thống, xưng Vương, "đặt trăm quan, chế định triều nghi phẩm phục" và chọn vùng đất Cổ Loa làm nơi đóng đô vào mùa xuân năm 939. Chúng ta cùng tìm hiểu một chút về Đức Vương Ngô Quyền nhé:
1. Ngô Quyền - Người con của mảnh đất Đường Lâm
Ngô Quyền (898 - 944), sinh ra trong một dòng họ hào trưởng có thế lực ở châu Đường Lâm, cha là Ngô Mân làm chức Châu mục, mẹ là bà họ Phạm, người cùng châu. "Khi Vua mới sinh có ánh sáng lạ đầy nhà, trang mạo khác thường, có 3 nốt ruồi ở lưng, thầy tướng cho là lạ, bảo có thể làm chủ một phương, nên mới đặt tên là Quyền" (Đại Việt sử ký toàn thư). Năm 20 tuổi, cha mẹ đều mất, Ngô Quyền vào Ái Châu (Thanh Hóa) làm nha tướng cho Dương Đình Nghệ, được Đình Nghệ nhận làm con nuôi, gả con gái là Dương Thị Như Ngọc và cho trấn giữ ải Ái Châu.
2. Ngô Quyền và trận Bạch Đằng lịch sử
Là một người văn võ toàn tài, Ngô Quyền nắm rất rõ quy luật lên xuống thủy triều trên sông Bạch Đằng. Quân Nam Hán tấn công nước ta bằng đường thủy. Ngô Quyền bèn dụng mưu nhờ thủy triều diệt giặc giúp.
Ông cho người đóng cọc lim, đầu vót nhọn, bọc sắt cứng xuống lòng sông Bạch Đằng. Chờ khi thủy triều lên ngập hết bãi cọc, Ngô Quyền cho quân đi thuyền nhẹ ra khiêu chiến, rồi giả thua bỏ chạy. Quân Nam Hán tưởng thật, bèn ồ ạt dùng thuyền lớn đuổi theo. Khi toàn bộ chiến thuyền của quân Nam Hán rơi vào vùng bãi cọc, cũng là lúc thủy triều xuống rất nhanh. Thuyền Nam Hán bị trúng cọc sắt, đua nhau chìm, lật. Bấy giờ, Ngô Quyền mới dốc tổng lực ra đánh. Quân Nam Hán hỗn loạn, mười phần thì hoặc bị chết chìm, hoặc bị quân ta giết đến 6, 7 phần. Tướng giặc là Lưu Hoằng Tháo cũng chết trong đám hỗn loạn ấy. Bấy giờ là năm 938.
Sau trận thắng oanh liệt đó, nhà Nam Hán không còn dám nghĩ tới chuyện xâm lấn nước Việt ta nữa.
Mùa xuân năm 939, Ngô Quyền lên ngôi, xưng là Ngô Vương, đóng đô ở Cổ Loa, mở ra thời kỳ độc lập, tự chủ cho nước Việt ta. Là người mở ra thời kỳ độc lập huy hoàng cho đất nước, Ngô Quyền được giới sử gia tôn vinh là "vua đứng đầu các vua", hay là "vị tổ trung hưng" của nước Việt.
3. Triển lãm: "Ngô Quyền - Vị tổ trung hưng đất nước"
Chào mừng kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, tại Khu di sản Hoàng Thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa trưng bày Triển lãm: "Ngô Quyền - Vị tổ trung hưng đất nước" như một lời tri ân tiền nhân. Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", khơi dậy niềm tự hào, tinh thần yêu nước chống giặc ngoại xâm của dân tộc cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Nội dung triển lãm gồm 3 phần chính:
Chủ đề 1: Quê hương và dòng tộc
Chủ đề 2: Ngô Quyền - Vị tổ trung hưng đất nước
- Tiểu chủ đề 1: Trận thủy chiến trên cửa biển Bạch Đằng
- Tiểu chủ đề 2: Ngô Quyền với Cổ Loa
Chủ đề 3: Sống mãi cùng non sông
Thời gian, địa điểm trưng bày triển lãm
1/10/2020 tại Khu di sản Hoàng Thành Thăng Long, 19 Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội
8/10 - 30/11/2020 tại Khu di tích Cổ Loa, xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội
Trân trọng kính mời du khách đến tham quan Khu di sản Hoàng Thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa và hòa mình vào lịch sử dân tộc qua Triển lãm: "Ngô Quyền - Vị tổ trung hưng đất nước".