TRƯNG BÀY “CỔ LOA – DẤU ẤN LỊCH SỬ VÀ VĂN HÓA”
Ngày 02 tháng 10 Năm 2024

Chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, Ban Quản lý Khu di tích Cổ Loa tổ chức trưng bày “Cổ Loa – Dấu ấn lịch sử và văn hóa”.

Cổ Loa – miền đất của người Việt cổ

Cổ Loa là địa bàn cư trú, sinh tụ của người Việt cổ khoảng 4000 năm trước. Các dấu vết vật chất hiện còn ở Cổ Loa đã minh chứng cho một tiến trình phát triển lâu dài, liên tục qua các giai đoạn văn hóa khảo cổ: Phùng Nguyên - Đồng Đậu - Gò Mun - đến đỉnh cao Đông Sơn với sự hình thành nhà nước Âu Lạc.

Lớp cư dân đầu tiên định cư ở Cổ Loa thuộc giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên cư trú tập trung thành những làng nông - chài đông đúc trên những bãi đất cao ven sông Hoàng Giang. Tiếp sau là cư dân văn hóa Đồng Đậu - Gò Mun, tiếp tục mở rộng địa bàn đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp trồng lúa nước, thủ công nghiệp và hoàn thiện kỹ thuật luyện kim, tạo bước ngoặt phát triển kinh tế - xã hội. Cư dân văn hóa Đông Sơn tiếp nối các giai đoạn trước đó và phát triển đến đỉnh cao, bằng chứng, tại Cổ Loa đã phát hiện những trung tâm cư trú, xưởng sản xuất thủ công, kho cất giữ của cải, tiêu biểu là các xưởng thủ công, trung tâm luyện kim đúc đồng ở Đình Tràng, Đền Thượng, Mả Tre và kho mũi tên đồng Cầu Vực. Hệ thống di vật văn hóa Đông Sơn được phát hiện tại Cổ Loa bao gồm các di vật đá, gốm, đồng, sắt với nhiều loại hình khác nhau như: công cụ lao động, vũ khí, đồ dùng sinh hoạt, đồ trang sức, nhạc khí… đặc biệt là trống đồng Cổ Loa, kho mũi tên đồng, khuôn đúc mũi tên, mũi lao đồng. Đó là minh chứng phản ánh hai thành tựu nổi bật của nhà nước Âu Lạc là luyện kim, đúc đồng và nông nghiệp trồng lúa nước của người Việt cổ.

Đồ trang sức bằng đá (niên đại thế kỷ 4 – 1 TCN)

Đồ gốm giai đoạn văn hóa Đông Sơn

Vũ khí bằng đồng giai đoạn văn hóa Đông Sơn

Vũ khí bằng đồng giai đoạn văn hóa Đông Sơn

2. Cổ Loa – Kinh thành, quân thành, thị thành

Năm 208 TCN, Thục Phán - thủ lĩnh của người Việt đã hợp nhất hai bộ lạc Âu Việt và Lạc Việt, lên ngôi, lấy hiệu là An Dương Vương, chọn Cổ Loa làm kinh đô của nước Âu Lạc. Thành Cổ Loa được xây dựng với quy mô lớn không những gắn với xu thế phát triển của đất nước mà còn gắn với yêu cầu giữ nước, đó là sự kết hợp của Kinh thành với Quân thành và Thị thành.

Vào thời Âu Lạc, Cổ Loa nằm vào vị trí đỉnh của tam giác châu thổ sông Hồng và là nơi giao lưu quan trọng của đường thủy và đường bộ. Từ đây có thể kiểm soát được cả vùng đồng bằng lẫn vùng sơn địa. Các vật liệu kiến trúc phát hiện được trong khu vực thành Nội cho phép hình dung các quy mô kiến trúc lớn dạng cung điện, lầu gác của triều đình đã được xây dựng.

Sơ đồ địa văn hóa – chính trị vùng châu thổ sông Hồng

Vật liệu kiến trúc thời kỳ Âu Lạc: ngói Cổ Loa

Cổ Loa là quân thành thời kỳ An Dương Vương. Thành Cổ Loa với ba vòng thành được đắp bằng đất kiên cố, hình xoáy trôn ốc, rộng phía Bắc hẹp phía Nam, thành cao, hào sâu và bố trí dày đặc các ụ hỏa hồi, dãy lũy, tạo thành một căn cứ quân sự kết hợp hài hòa giữa bộ binh và thủy binh. Cùng với quân đội vững mạnh được trang bị vũ khí tốt bằng đồng như: mũi tên đồng ba cạnh, lao, giáo, rìu... đặc biệt “nỏ thần” đã tạo nên sự phòng thủ vững chắc, bảo vệ nhà nước Âu Lạc.

Thành Cổ Loa được xây dựng công phu, trong thân thành có dải những lớp gốm dày mỏng khác nhau, chân thành còn được kè đá để chống sụt lở và xói mòn. Trên ba vòng thành có các ụ đất nhô ra ngoài gọi là “Hỏa hồi”. Khi thành bị tấn công, những ụ đất này chia cắt quân địch. Trên mặt thành, từ các ụ đất nhô ra, quân sĩ dùng cung nỏ, mũi lao tiêu diệt địch. Thành Ngoại và thành Trung đều mở 5 cửa, trong đó có một cửa chung ở phía nam, gọi là Cửa Nam. Thành Nội chỉ mở một cửa phía Nam nhằm quản lý chặt chẽ sự ra vào. Các cửa thành Trung và thành Ngoại được bố trí chéo nhau để từ cửa ngoài vào cửa trong phải đi theo những con đường quanh co, hai bên có những ụ đất phòng ngự.

Cả ba vòng tường thành đều có hào nước bên ngoài, nối thông với sông Hoàng Giang, hệ thống Đầm Cả - Vườn Thuyền, Ao Mắm tạo thành một “quân trấn”, có thể chứa hàng trăm chiến thuyền. Việc tạo dựng hệ thống hào nước bao quanh ba vòng thành, An Dương Vương đã biến Cổ Loa thành một thành trì quân sự vững chắc để chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Các phát hiện khuôn đúc mũi tên đồng, hay kho mũi tên đồng tại di chỉ Đền Thượng, hay Cầu Vực đã chứng tỏ hệ thống vũ khí bảo vệ thành hiện đại đã được trang bị cho quân sĩ thời kỳ An Dương Vương.

Sơ đồ 3 vòng thành hào Cổ Loa

Miếu cửa Nam thành Trung

Gò đống Chuông

Hệ thống hào nước, ngoài việc cấp nước cho sinh hoạt, tưới tiêu cho nông nghiệp, đánh bắt thủy sản, còn là tuyến đường giao thông, giao thương phồn thịnh giữa cư dân Cổ Loa với các vùng khác.

Sông Hoàng Giang còn gọi là sông Thiếp nối liền với mạng lưới tứ giác sông gồm sông Hồng, sông Đuống, sông Cà Lồ, sông Cầu mở ra con đường giao lưu quốc tế giữa trung tâm Cổ Loa (Kẻ Chợ) với khu vực bên ngoài.

Cổ Loa là trung tâm kinh tế với nền nông nghiệp phát triển mạnh mẽ, đã dùng lưỡi cày đồng, trâu bò làm sức kéo, cho năng suất cao, cùng với nghề luyện kim và giao dịch. Chợ Cổ Loa (chợ Sa) có từ thời An Dương Vương vẫn được duy trì đến ngày nay, là nơi trao đổi về hàng hóa, giao lưu văn hóa của cư dân Cổ Loa từ hàng ngàn năm nay.

Đầm Cả

Chợ quê Cổ Loa

3. Không gian văn hóa đặc sắc

Cổ Loa là khu vực cư trú truyền thống của người Việt cổ, cùng các thế hệ người Việt trải qua hàng ngàn năm, vẫn bảo tồn và gìn giữ được cảnh quan, hình thái của làng Việt truyền thống, cùng các sinh hoạt văn hóa, truyền thuyết dân gian, phong tục, tập quán, hội hè, ẩm thực... hòa quyện lại, tạo nên một không gian văn hóa đặc sắc của Cổ Loa.

Đền thờ đức vua An Dương Vương

Giếng nước tại điếm xóm Chùa

Lễ hội Cổ Loa xưa (ảnh chụp năm 1940)

Lễ hội Cổ Loa ngày nay

Quan đám làm lễ nhập tịch

Nghề làm bún Mạch Tràng

Trưng bày mở cửa phục vụ du khách tham quan từ ngày 08/10/2024, tại nhà trưng bày Khu di tích Cổ Loa, thôn Chùa, xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Trân trọng kính mời./.

BAN QUẢN LÝ KHU DI TÍCH CỔ LOA