TRUYỆN VỀ ĐỨC VUA AN DƯƠNG VƯƠNG QUA THƯ TỊCH CỔ
Ngày 17 tháng 09 Năm 2021

Nhân kỷ niệm ngày sinh của đức vua An Dương Vương (ngày 11 tháng 8 âm lịch được ghi chép lại trong cuốn “Ngọc phả cổ lục”), Ban Quản lý khu di tích Cổ Loa gửi đến Quý bạn đọc bài viết Truyện về Đức vua An Dương Vương qua thư tịch cổ.

Truyện về Đức vua An Dương Vương đã thống lĩnh quân và dân Âu Lạc tổ chức xây thành, đắp lũy, kháng chiến chống giặc ngoại xâm, lập nên Kinh đô đầu tiên của Quốc gia tại Cổ Loa vào thế kỷ III TCN đã được tái hiện thấm đẫm, nhất quán, sinh động qua tâm thức và truyền thuyết dân gian rồi được chuyển tải vào các thư tịch cổ trong đời sống của các thế hệ cư dân Việt Nam từ đời này sang đời khác.

 

Lĩnh Nam chích quái thuật chuyện An Dương Vương xây thành mãi không xong. Vua bèn lập đàn trai giới, cầu đảo bách thần. Ngày mồng 7 tháng 3 bỗng thấy một cụ già từ phương Đông tới trước cửa thành mà than rằng:" Xây dựng thành này biết bao giờ cho xong được. Vua mừng rỡ, đón vào trong điện thi lễ, hỏi rằng:"Ta đắp thành này đã nhiều lần băng lở, tốn nhiều công sức mà không thành, thế là cớ làm sao" Cụ già đáp:"Sẽ có sứ Thanh Giang tới cùng nhà vua xây thành mới thành công". Nói rồi từ biệt ra về.

 

Hôm sau, vua ra cửa Đông chờ đợi, chợt thấy một con rùa vàng từ Phương Đông lại, nổi trên mặt nước, nói sõi tiếng người, tự xưng là sứ Thanh Giang, thông tỏ việc trời đất, âm dương, quỷ thần. Vua mừng rỡ nói:" Điều đó chính cụ già báo cho ta biết".

Bèn dùng xe bằng vàng rước vào trong thành mời ngồi trong điện, hỏi vì sao xây thành không được. Rùa vàng đáp:" Cái tinh khí ở núi này là con vua đời trước muốn báo thù cho nước. Lại có con gà trắng sống ngàn năm hoá thành yêu tinh ẩn ở núi Thất Diệu. Trong núi có ma, đó là hồn người nhạc công triều trước chôn ở đó, bên cạnh có một quán trọ cho khách vãng lai, chủ quán tên là Ngộ Không, có người con gái và một con gà vốn là dư khí của quỷ tinh. Phàm có khách qua đường thì qủy tinh lại biến hoá muôn hình vạn trạng để  làm hại. Người chết vì thế rất nhiều. Nay con gà trống lại lấy con gái chủ quán, nếu giết được con gà trống, yểm được quỷ tinh, nó sẽ tụ ám khí biến thành yêu ma hoá thành con chim cú ngậm lá thư bay lên trên cây chiên đàn tâu cùng Thượng đế xin phá thành, tôi xin cắn rơi lá thư, nhà vua tức tốc nhặt lấy, thành sẽ xây được.

Rùa vàng bảo vua giả làm người đi đường đến nghỉ trọ ở quán, đặt rùa vàng ở trên khung cửa. Ngộ Không nói: Quán này có yêu tinh, đêm thường giết người. Hôm nay trời chưa tối, xin ngài đi mau, chớ nghỉ lại. Vua cười nói: "Sống chết có mệnh, ma quỷ làm gì được ta, không đáng sợ". Bèn cứ nghỉ lại. Đến đêm, quỷ ở ngoài vào, thét lớn:" Kẻ nào ở đây, sao chẳng mau mở cửa ?”. Rùa vàng thét lớn:" Cứ đóng cửa thì  mày làm gì "Quỷ bèn phóng hoả biến thành trăm hình vạn trạng, muôn kế ngàn phương để hòng doạ nạt, sau cùng chẳng vào nổi. Đến lúc gà gáy sáng, quỷ tinh chạy trốn.. Rùa vàng bảo vua đuổi theo, tới núi Thất Diệu, quỷ tinh thu hình biến mất, vua quay về quán.

Sáng hôm sau chủ quán sai người đến lượm xác khách trọ để chôn, thấy vua vẫn cười nói hớn hở bèn cùng chạy tới lạy mà nói rằng: "Ngài được như thế tất là thánh nhân, vậy xin ban thuốc thần để cứu sinh dân". Nhà vua nói: "Nhà ngươi giết con gà trắng mà tế thần quỷ tinh sẽ tan hết". Ngộ Không y lời đem gà trắng ra giết thì người con gái lập tức quay ra chết. Nhà vua bèn sai đào ở núi Thất Diệu lấy được nhạc khí và xương cốt, đốt tan thành tro đem đổ xuống dòng sông.

 Trời gần tối nhà vua và rùa vàng lên núi Việt Thường thấy quỷ tinh đã biến thành chim cú sáu chân ngậm lá thư bay lên cây chiên đàn. Rùa vàng biến thành con chuột lớn theo sau, cắn vào chân cú, lá thư rơi xuống đất. Vua vội nhặt lấy, lá thư đã bị nhấm rách quá nửa. Từ đó quỷ tinh bị diệt, thành xây nửa tháng thì xong". Vua cảm tạ, hỏi rằng: "Đội ơn ngài thành đắp đã vững, nếu có giặc ngoài đến, thì lấy gì chống giữ ?". Rùa vàng bèn trút chiếc móng trao cho vua và nói:" Nước nhà yên hay nguy đều do số trời, nhưng người cũng nên phòng bị; nếu có giặc đến thì dùng móng thiêng làm lẫy nỏ, nhằm vào giặc mà bắn thì không phải lo gì". Vua sai bề tôi là Cao Lỗ làm nỏ thần, lấy móng rùa làm lẫy, đặt tên là Linh Quang kim trảo thần nỏ     

Đại Việt sử ký toàn thư dựa vào truyền thuyết dân gian khá phổ biến đến thế kỷ XV,  cũng viết tương tự và có thêm các chi tiết về niên đại :

Bính Ngọ - năm thứ ba, Đông Chu Quân năm thứ nhất. Mùa xuân, tháng ba, chợt có thần nhân đến cửa thành trỏ vào thành cười mà nói:"Đắp đến bao giờ cho xong!". Vua mời vào điện hỏi, thần nhân trả lời "Cứ đợi giang sứ đến", rồi cáo từ đi ngay”.

Về cuộc kháng chiến chống xâm lược của Triệu Đà - nước Nam Việt, Đại Việt sử ký toàn thư  viết:

Năm Tân Mão tháng 10 mùa đông, Tần Thuỷ Hoàng năm thứ 37 ... Triệu Đà đem quân xâm lấn. Đà đóng quân ở núi Tiên Du, Bắc Giang để đánh nhau với vua. Vua đem nỏ thần ra bắn, Đà thua chạy. Bấy giờ Nhâm Ngao đem thuỷ quân đóng ở Tiểu Giang, vì phạm thổ thần nên bị bệnh, phải rút về. Nhâm Ngao bảo Đà rằng:" Nhà Tần sắp mất, dùng mưu kế đánh Phán thì có thể dựng nước được". Đà biết vua có nỏ thần, không thể địch nổi, bèn lui binh giữ núi Vũ Ninh, sai sứ đến giảng hoà. Vua mừng, bèn chia từ Bình Giang trở lên phía Bắc thuộc quyền cai trị của Đà, trở về Nam thuộc quyền cai trị của vua. Đà sai con là Trọng Thuỷ vào hầu làm túc vệ, cầu hôn congái vua là Mỵ Châu . Vua bằng lòng. Trọng Thuỷ dỗ Mỵ Châu để xem trộm nỏ thần, rồi ngầm bẻ gãy lẫy nỏ, thay cái khác vào, giả vờ về Bắc thăm cha mẹ, bảo Mỵ Châu rằng: "Ân tình vợ chồng không thể quên nhau, nếu lỡ hai nước không hoà, Nam Bắc cách biệt, ta lại tới đây thì làm thê nào tìm thấy nhau?"

Mỵ Châu nói:" Thiếp có cái nệm gấm lông ngỗng thường mang theo mình, đi đến đâu thì rút lông ngỗng rắc ở chỗ đường rẽ để làm dấu". Trọng Thuỷ về báo cho Đà biết .

Đà đem quân đánh vua. Vua không biết lẫy nỏ đã mất, ngồi đánh cờ cười mà bảo : "Đà không sợ nỏ thần của ta sao ?". Quân của Đà tiến sát đến nơi, vua giương nỏ thì lẫy đã gẫy rồi. Vua thua chạy, để Mỵ Châu ngồi trên ngựa, cùng chạy về phía Nam. Trọng Thuỷ nhận dấu lông ngỗng đuổi theo. Vua đến bờ biển, hết đường mà không có thuyền, liền gọi rùa vàng mấy tiềng " Mau đến cứu ta !". Rùa vàng nổi lên mặt nước, mắng rằng: "Kẻ ngồi sau là giặc đấy sao không giết đi?". Vua rút gươm muốn chém Mỵ Châu. Mỵ Châu khấn rằng: " Trung tín trọn tiết, bị người đánh lừa, xin hoá thành ngọc châu để rủa thù nhục này". Cuối cùng vua vẫn chém Mỵ Châu, máu chảy loang mặt nước, loài trai nuốt vào bụng hoá làm hạt minh châu. Vua cầm sừng tê văn dài 7 tấc xuống biển mà đi. Trọng Thuỷ đuổi theo đến nơi, thấy Mỵ Châu đã chết, thương khóc ôm xác đem về chôn ở Loa Thành, hoá làm đá ngọc. Trọng Thuỷ nhớ tiếc Mỵ Châu, trở lại chỗ Mỵ Châu tắm gội trang điểm khi trước, thương nhớ khôn nguôi, cuối cùng nhảy xuống giếng mà chết. Người sau được hạt minh châu ở biển Đông, lấy nước giếng ấy mà rửa sắc ngọc càng sáng hơn".

Hiện nay, tại Khu di tích Cổ Loa còn lưu giữ được nhiều đạo sắc phong của các triều đại Lê, Nguyễn (từ thế kỷ XVII - đầu thế kỷ XX) sắc ban cho xã Cổ Loa thờ phụng đức vua An Dương Vương như: "từ xưa đã tôn thờ một vị là Thục An Dương Vương, được các triều gia phong tôn mỹ tự để tưởng nhớ, vậy cho phép phụng thờ như xưa để tỏ lòng tôn kính". Đồng thời các sắc phong đều tôn thờ An Dương Vương là vị vua có nhiều công lao trong việc dựng nước và giữ nước của dân tộc. Như sắc phong soạn ngày 20 tháng 4 nhuận năm Đức Long thứ 01 (1629) có đoạn: An Dương Vương là "bậc hùng tài trong thiên hạ, cử binh dương nỏ thần làm uy, sáng như sao lâu mưu làm nên sự nghiệp, giúp nước vững âu vàng, giữ vững đất Việt, tỏ rõ anh linh, công lao thật nhiều".

Công lao của đức vua An Dương Vương được ca ngợi trên câu đối tại đền Thượng:

Đế tĩnh sơn hà, thiên sinh hùng vĩ, Âu Lạc khải phong, Côn Luân triệu địa, uy chấn viêm giao, công thùy thanh sử.

Thành quách do tồn, nhân tâm vô dị, miếu mạo nguy nga, trường lưu thiên địa.

Tạm dịch:

Trị an sông núi, trời sinh hùng vĩ, mở mang Âu Lạc, Côn Luân đất lành, uy dội nước Nam, công ghi sử xanh.

Thành quách vẫn còn, lòng dân không đổi, miếu mạo nguy nga, mãi cùng trời đất.

BAN QUẢN LÝ KHU DI TÍCH CỔ LOA