Làng Cổ Loa xưa có 4 giáp Đông Nhất, Đông Nhì, Đông Tam, Đoài Tự. Hàng năm, mỗi giáp cử ra 1 cụ cao niên để “ứng cử” vào vị trí cụ Từ (Quan Đám) - người sẽ đại diện cho dân làng thực hiện nghi lễ các ngày lễ tiết trong năm, trông nom, bảo vệ tại khu đền thờ vua An Dương Vương và am Mỵ Châu. Tục khất keo cụ Từ có quy định rất chặt chẽ như sau:
- Bầu (tiến cử) Quan đám (Thủ từ): Thực hiện trong những ngày đầu tháng Chạp, đây là việc mất nhiều thời gian, vì phải chọn những người có kinh tế khá giả, gia đình phải song toàn, không mắc tang trở, có đạo đức và không bị dị tật. Bầu Quan đám, làng Cổ Loa có 12 xóm được chia làm 3: Nhồi trên, Nhồi Dưới, Gà, Dõng; Vang, Hương, Thượng, Bãi; Chợ, Chùa, Mít, Lan Trì. Mỗi một năm 4 xóm được tiến cử 4 người đại diện của xóm là các ông trùm Giáp tham gia tiến cử bầu làm Quan đám với nhiệm kỳ là 1 năm (sau 3 năm lại đến lượt). Trước cách mạng tháng Tám làng Cổ Loa có tới 28 giáp, trong những người đồng canh, đồng tuế không phải ai cũng được làm trưởng giáp. Hàng giáp chỉ chọn 1 người trong số những người đồng tuế, chọn thứ tự đăng ký trong sổ hàng giáp, tuy nhiên với điều kiện năm ấy (năm lựa chọn) người đứng đầu sổ không có tang hay bị dị tật gì. Nếu có thì trưởng giáp chiếu cố lấy xuống người thứ hai, thứ ba … làm trưởng, cứ như vậy hàng năm theo thứ tự dồn toa người đứng đầu sổ ở lứa tuổi 59 được cử làm ông trùm giáp. Các ông trùm giáp cuối năm 58 tuổi được lựa chọn đến đền Thượng làm “lễ Khất keo” (tức làm lễ và tung 2 đồng tiền xấp ngửa xin Thánh cho làm Quan đám để đèn nhang hương khói thờ vua) theo thứ tự giáp xóm lớn đến giáp xóm nhỏ để chọn 3 ông Quan đám trông coi “sạch cỏ - đỏ hương” đền Thượng, am Mỵ Châu và đền Thạch (đền Ngự Xạ Đài). Người đại diện của xóm là người đại diện của 1 trong các dòng họ trong xóm, được xóm lựa chọn cân nhắc theo những tiêu chuẩn rất chặt chẽ theo phong tục tập quán tại địa phương. Dưới 3 ông Quan đám là 8 hoặc 6 ông đăng cai do 8 hoặc 6 giáp cắt lượt cử phụ trách việc hội hè, tế lễ ở đền Thượng.
Sau khi lễ hội được khôi phục lại, từ năm 1990 đến nay, cơ bản vẫn duy trì phong tục tập quán trên, song việc bầu Quan đám đã có sự thay đổi do UBND, UBMTTQ xã chủ trì tổ chức thực hiện. Sau khi các thôn tiến cử (từ 3 đến 4 cụ tuổi từ 55 đến 70), UBND UBMTTQ xã phối hợp với hội người cao tuổi tổ chức hội nghị để chọn ra 2 người có số phiếu cao nhất là Quan đám.Về tiêu chuẩn vẫn duy trì nét cơ bản là gia đình phải song toàn, không có tang và không mắc các tệ nạn xã hội.
- Lễ khất keo: Được thực hiện đầu tháng Chạp, 4 ông trùm giáp của 4 xóm được lựa chọn mang lễ lên đền Thượng tiến lễ và làm lễ khất keo xin đức Thánh, nếu ai được Thánh lựa chọn sẽ được làm Quan đám (xưa kia gọi là Thủ từ hoặc Cai đám) tại đền Thượng để hầu vua. Tương tự tại đền Am và đền Ngự Xà Đài cũng thực hiện như vậy. Nhiệm kỳ của Quan đám là 1 năm, từ 14 tháng Chạp năm trước cho đến 14 tháng Chạp năm sau. Ngày nay, tục “Khất keo” thay bằng bỏ phiếu kín, chọn ra hai người, ai phiếu cao nhất thì được làm Quan đám ở đền, còn phiếu thấp hơn sẽ làm Quan đám tại am.
- Lễ nhập tịch (nay gọi là bàn giao Quan đám): Diễn ra vào ngày 14 tháng Chạp hàng năm. Ngày này coi như ngày hội của 3 dòng họ được bầu là Quan đám, được tổ chức long trọng. Trước ngày nhập tịch gia đình Quan đám chuẩn bị đầy đủ các vật phẩm tiến lễ và các đồ dùng cá nhân. Đúng ngày nhập tịch, gia đình và dòng họ của Quan đám làm cỗ khao họ. Từ sáng sớm gia đình, con cháu và dòng họ trang phục chỉnh tề theo nghi lễ đến làm lễ tại điếm xóm, sau đó lên đền Thượng làm lễ nhập tịch nhận chức, sau khi làm lễ nhập tịch xong tiếp tục sang đền am, đình, đền Ngự Xạ Đài làm lễ, đối với Quan đám đền am và đền Ngự Xạ Đài thì phải lên đền Thượng làm lễ trước sau đó mới được về làm lễ nhập tịch tại đền được làm Quan đám. Trong quá trình gia đình, dòng họ rước lên đền nhập tịch làm Quan đám trên đường đi nếu có qua điếm xóm nào đều phải vào lễ tại điếm xóm đó. Trong ngày nhập tịch, Quan đám khấn tại đền bài Mục lục ca ngợi công đức của thánh thần, cầu cho dân làng được bình yên vô sự.
Quan đám đọc văn khấn làm lễ nhập tịch
Từ năm 1995, Khu di tích Cổ Loa được bàn giao cho Ban Quản lý Danh thắng Hà Nội và năm 2006 giao cho Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội trực tiếp quản lý. Ngày nay, lễ nhập tịch được gọi là lễ bàn giao và tiếp nhận Quan đám, do Đảng ủy, UBND, UB MTTQ xã Cổ Loa chủ trì, bàn giao cho đơn vị chủ quản là Ban Quan lý khu di tích Cổ Loa, thuộc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội.
- Lễ vinh quy bái tổ: Sau khi Quan đám nhập tịch tại đền và am vào ngày 14 tháng Chạp sẽ ở đó thực hiện nhiệm vụ của mình đến hết thời gian diễn ra lễ hội Cổ Loa, ngày 20 tháng Giêng được trở về nhà 1 ngày từ sáng đến chiều để báo cáo tổ tiên, dòng họ, gọi là “lễ vinh quy bái tổ”.
Tục khất keo cụ Từ là phong tục tập quán lâu đời của vùng cố đô xưa là nét đẹp văn hóa riêng biệt của người dân nơi đây, được nhân dân Cổ Loa duy trì, bảo tồn, phát huy và trao truyền cho các thế hệ tại mảnh đất cố đô.
BAN QUẢN LÝ KHU DI TÍCH CỔ LOA