Di tích Mả Tre
 
 

Mả Tre trước đây là khu nghĩa địa, nằm phía Tây Nam Cửa Nam thành Cổ Loa, sát bên trái là đường nhựa mở từ Chợ Sa vào đền thờ An Dương Vương, lọt giữa 2 vòng Thành Trung và Thành Nội.

Các di vật đồng được tìm thấy bên trong trống đồng tại di tích Mả Tre

Ngày 21 tháng 6 năm 1982, trong khi hạ thấp thửa ruộng ở khu Mả Tre, nhóm thanh niên xóm Chợ tham gia lao động hạ đất ruộng nhà ông Tái Kim Quang đã phát hiện một trống đồng trong có chứa hơn 200 hiện vật đồng thau các loại.

Sau khi phát hiện, Ủy ban nhân dân xã Cổ Loa đã phối hợp với Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội và các cơ quan chức năng khảo sát lại nơi phát hiện và tổ chức nhiều đợt thu hồi hiện vật.

Không kể những hiện vật bị phân tán, tổng số hiện vật chứa trong trống đồng thu hồi được đến nay là 247 chiếc gồm các loại sau: công cụ sản xuất 194 chiếc (143 lưỡi cày, 8 cuốc, 4 xẻng, 2 đục, 34 rìu, 2 dao gặt, 1 dao), vũ khí 29 chiếc (16 giáo, năm dao găm, 8 mũi tên), đồ dùng sinh hoạt 7 chiếc (2 thố, 3 mảnh thạp, 1 chậu, 1 khay), nhạc khí 3 chiếc (1 trống nguyên vẹn, 1 mảnh trống, 1 lục lạc), 15 hiện vật không xác định được công dụng và 19,5kg mảnh đồng vụn.

Qua nghiên cứu Bộ sưu tập đồ đồng Mả tre cho thấy ở đây vừa có những hiện vật tiêu biểu đặc trưng của văn hóa Đông Sơn như trống, thố, thạp, rìu xéo, dao găm, giáo vừa có những hiện vật mang đặc trưng địa phương như rìu xéo gót cao mũi chúc, giáo có lỗ ở cánh của loại hình Đông Sơn vùng sông Mã. Rìu gót vuông (rìu hình hia), lưỡi cày hình tim là đặc trưng của văn hóa Đông Sơn lưu vực sông Hồng và một số hiện vật do giao lưu trao đổi mà có như xẻng, giáo họng đuôi cá.

Phát hiện Mả Tre có lẽ cũng giống như phát hiện kho mũi tên đồng Cầu Vực và nhóm hiện vật xóm Nhồi cho thấy đây có thể là kho giấu tài sản trước một biến động lớn trong xã hội.

Về niên đại, hiện vật có niên đại sớm nhất là chiếc trống Cổ Loa I, được ra đời vào giai đoạn cực thịnh của văn hóa Đông Sơn. Những hiện vật có niên đại muộn là trống Cổ Loa II, rìu giáo minh khí, đồng tiền Bán Lạng (khoảng thế kỷ II-I TCN)

Trống đồng khi được phát hiện ở độ sâu 30cm so với mặt ruộng chưa cải tạo, ở tư thế nằm ngửa, trong lớp đất sét màu vàng. Lớp đất canh tác trên cùng màu xám đen, chứa một số mảnh gốm Cổ Loa.

Một kho hiện vật trong lòng một chiếc trống đồng và bản thân trống đồng là cả một kho sử liệu phong phú để nghiên cứu nền nông nghiệp trồng lúa nước với kỹ thuật canh tác bằng lưỡi cày đồng, kỹ thuật luyện kim phát triển cao.