Bảo vật quốc gia là những hiện vật có giá trị đặc biệt về văn hóa, lịch sử được Nhà nước Việt Nam bảo vệ và bảo quản theo chế độ riêng biệt. Việc công nhận danh hiệu Bảo vật quốc gia phải do Thủ tướng Chính phủ quyết định sau khi có ý kiến thẩm định của Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia.
Tại Điều 21 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa năm 2009 quy định Bảo vật quốc gia phải có các tiêu chí sau đây:
- Là hiện vật gốc độc bản;
- Là hiện vật có hình thức độc đáo;
- Là hiện vật có giá trị đặc biệt liên quan đến một sự kiện trọng đại của đất nước hoặc liên quan đến sự nghiệp của anh hùng dân tộc, danh nhân tiêu biểu; hoặc là tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng về giá trị tư tưởng, nhân văn, giá trị thẩm mỹ tiêu biểu cho một khuynh hướng, một phong cách, một thời đại; hoặc là sản phẩm được phát minh, sáng chế tiêu biểu, có giá trị thực tiễn cao, có tác dụng thúc đẩy xã hội phát triển ở một giai đoạn lịch sử nhất định; hoặc là mẫu vật tự nhiên chứng minh cho các giai đoạn hình thành và phát triển của lịch sử trái đất, lịch sử tự nhiên.
Từ năm 2012 đến năm 2021, có 9 đợt công nhận với 215 hiện vật, nhóm hiện vật đã được công nhận là bảo vật quốc gia theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, Trống đồng Cổ Loa, bộ sưu tập lưỡi cày đồng và Sưu tập khuôn đúc Cổ Loa được công nhận là Bảo vật Quốc gia lần lượt vào đợt 4 (năm 2015) và đợt 9 (năm 2020).
Bảo vật Quốc gia: Trống đồng Cổ Loa và bộ sưu tập lưỡi cày đồng
Ngày 23/12/2015, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, ký Quyết định số 2382/QĐ-TTg công nhận 25 Bảo vật Quốc gia Đợt 4, trong đó có Trống đồng Cổ Loa và bộ sưu tập lưỡi cày đồng phát hiện tại Cổ Loa đang được Bảo tàng Hà Nội quản lý và trưng bày phát huy giá trị.
Trống đồng Cổ Loa: được phát hiện năm 1982 tại khu Mả Tre, thuộc xóm Chợ, nằm về phía tây Nam Cửa Nam thành Cổ Loa, lọt giữa 02 vòng thành Trung và thành Nội. Trống được chôn ngửa, bên trong chứa gần 200 hiện vật bằng đồng gồm: một phần mặt trống nhỏ, lưỡi cày, xẻng, cuốc, rìu, giáo, dao găm, mũi tên, thố, mảnh thạp, tiền, mảnh vụn đồng… có niên đại cách ngày nay trên 2.000 năm.
Trống đồng Cổ Loa
Trống đồng Cổ Loa cùng nhóm trống đồng Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Sông Đà là những trống có hình dáng, hoa văn đẹp nhất và cổ nhất ở Việt Nam. Đặc biệt, đây là chiếc trống đồng Đông Sơn được phát hiện đầu tiên trong thành Cổ Loa có khắc minh văn chữ Hán.
Hoa văn trang trí giữa mặt trống là hình ngôi sao nổi 14 cánh, họa tiết lông công xen giữa các cánh. Vành hoa văn số 6 (tính từ trong ra ngoài) chia thành hai nửa giống nhau, mỗi nửa đều có khắc họa hình người hóa trang, mái nhà cong hình thuyền có chim đậu trên nóc, trong nhà có một cặp nam nữ ngồi đối diện nhau, một đầu nhà có hình trống đồng đặt nghiêng, đầu kia có người ngồi co gối đánh trống, mô tả lễ hội cầu mùa của cư dân nông nghiệp.
Hoa văn trang trí mặt trống Cổ Loa
Lưỡi cày đồng: là một trong những di vật tiêu biểu và độc đáo của văn hóa Đông Sơn. Sự có mặt của lưỡi cày đồng với số lượng nhiều ở trong lòng trống Cổ Loa là một minh chứng chắc chắn cho việc người Hà Nội xưa đã biết cày ruộng và có thể đã biết sử dụng động vật để kéo cày.
Lưỡi cày đồng trong lòng trống Cổ Loa
Bảo vật Quốc gia: Sưu tập khuôn đúc Cổ Loa
Ngày 31/12/2020, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, ký Quyết định số 2283/QĐ-TTg công nhận 24 bảo vật quốc gia Đợt 9, trong đó có Sưu tập khuôn đúc Cổ Loa. Hiện vật đang được quản lý và phát huy giá trị tại Ban Quản lý Khu di tích Cổ Loa.
Khuôn đúc Cổ Loa
Sưu tập khuôn đúc Cổ Loa là những khuôn đúc ba mang và khuôn đúc hai mang, gồm 11 hiện vật, trong đó có 10 hiện vật là mang khuôn đúc mũi tên đồng ba cạnh và 1 hiện vật là mang khuôn đúc mũi lao đồng hình cánh én. Niên đại thuộc văn hóa Đông Sơn - sơ kỳ thời đại đồ sắt, thế kỷ III - II tước Công Nguyên.
Mặt trong, mặt ngoài và bản vẽ mang khuôn đúc mũi tên đồng ba cạnh
Mang khuôn đúc mũi lao hình cánh én
Sưu tập khuôn đúc cùng với phát hiện kho mũi tên đồng ở Cầu Vực năm 1959 và trống đồng Cổ Loa ở Mả Tre năm 1982 là ba hiện tượng khảo cổ nổi tiếng ở Cổ Loa, đều liên quan tới nhau, phản ánh hai thành tựu nổi bật của nhà nước Âu Lạc, đó là phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và phòng thủ chống giặc ngoại xâm bảo vệ vững chắc nhà nước non trẻ.
Sưu tập khuôn đúc trưng bày tại Nhà trưng bày Khu di tích Cổ Loa
BAN QUẢN LÝ KHU DI TÍCH CỔ LOA