Người không có con trai (dù đã lập em trai hay cháu trai làm người thừa tự) nhưng vẫn sợ sau này khi mình mất đi không có người cúng giỗ nên mới mua hậu ở cấp dòng họ, ngõ, giáp hay làng để họ thờ phụng mình mãi mãi. Nếu mua hậu trong họ thì phải nộp tiền, nộp ruộng (gọi là hậu điền) cho họ, hàng năm lấy hoa lợi để cúng tế.
Hậu họ được thờ trong nhà thờ họ, ở vị trí tương xứng với vai vế trong dòng họ. Tương tự nếu mua hậu làng được khắc bia đá, thờ sau miếu Thành hoàng làng. Các Phật tử và những người sùng tín có thể gửi hậu vào chùa. Từ khi bầu hậu xong, người ấy được “sống tết chết giỗ” rất chu tất. Ở Cổ Loa, tục gửi hậu rất đa dạng.
Người ta có thể gửi hậu ở nhiều cấp khác nhau như: ngõ, xóm, phe giáp hay cao nhất là cấp làng. Hình thức gửi hậu phổ biến nhất là gửi hậu xóm. Tục xưa, lễ vật để xin được bầu hậu xóm là 10 kg gạo và một cái thủ lợn. Người bầu hậu phải gửi xóm 3 sào ruộng để hàng năm thu hoa lợi cúng giỗ. Người gửi hậu cấp xóm sẽ được thờ ở điếm của xóm. Ở các xóm Dõng, xóm Mít, xóm Nhồi đều còn những dấu ấn của tục này. Mua hậu cấp làng cần nhiều lễ vật hơn, khó khăn hơn (không phải cứ bỏ tiền, bỏ ruộng ra mua hậu là được; thông thường, phải là những người có công với làng, ăn ở có đức độ, được dân làng quý mến thì mới được bầu hậu). Người mua hậu làng được dân làng thờ ở gian sau của miếu/ đình làng. Ngoài ra, còn có thể gửi hậu ở chùa, như chùa Cổ Loa còn 6 tấm bia hậu, chùa Mạch Tràng còn 12 tấm bia hậu… là những minh chứng cho phong tục này.