Kết chiềng kết chạ là hình thức kết nghĩa anh em giữa các làng, mục đích là để các làng tương trợ nhau trong cuộc sống như: đắp đê, làm đường, chống cướp, chống ngoại xâm…, phân theo thứ bậc và đối xử với nhau như anh em. Ở Cổ Loa, phong tục này rất phổ biến, còn được gọi là tục “đánh bạn” (kết bạn), "đánh dải".
Làng Cổ Loa kết chạ với các làng Quậy, Đông Trù, Đông Tảo, Hội Phụ, Tam Trảo… Tương truyền rằng xưa kia, khi Thục Phán An Dương Vương chọn đất đóng đô đã phải dời cả làng Quậy xuống vùng trũng (xã Liên Hà ngày nay) nên nay làng Cổ Loa và làng Quậy kết chạ với nhau. Khi dựng đình, dân làng Cổ Loa phải mua gỗ từ miền ngược về, đi qua các làng Đông Trù, Đông Tảo, Hội Phụ, Tam Trảo làm nát mất lúa nên kết chạ với họ và tôn họ làm anh. Hàng năm mở hội thường mời các làng này về tham dự. Ngoài ra, các xóm trong làng Cổ Loa cũng có thể kết chạ với nhau, như: xóm Chùa (anh Cả) kết chạ với Lan Trì (anh Hai), xóm Nhồi, xóm Hương, xóm Vang, xóm Mít; riêng nhóm các xóm Chùa, xóm Mít, xóm Hương kết chạ với nhau gọi là "tam thôn"; xóm Gà kết bạn với Lan Trì, Dõng Trên, Dõng Dưới; trước đây xóm Hương kết nghĩa với Xuân Dục sau này chỉ kết nghĩa giữa các xóm trong làng Cổ Loa…
Đi liền với tục kết chạ là lễ ăn yến (ăn cỗ) vào tháng Giêng, tháng Hai. Cỗ yến thường phải có đủ 8 bát, 8 đĩa, ăn uống linh đình. Địa điểm ăn yến thường là đình (kết chạ giữa các làng), điếm (kết chạ giữa các xóm). Các làng kết chạ với nhau thường lần lượt tổ chức cỗ yến và mời nhau tham gia. Riêng trong cỗ yến của xóm Gà với xóm Lan Trì, thường chỉ có những người trẻ tuổi đến ăn, những người cao tuổi không đến mà xóm Gà phải cử một đoàn đại diện mang cỗ xuống biếu. Trong khi ăn yến có thể có tục hát đối đáp (hát ống), hát tuồng, hay mượn cô đào về hát giúp vui.