Di chỉ Đình Tràng
 
 

Di chỉ Đình Tràng thuộc thôn Đình Tràng (Dục Tú, Đông Anh, Hà Nội) nằm ở phía đông Cổ Loa.

Di chỉ Đình Tràng nằm gọn trên khu đất cao, cạnh dòng Hoàng Giang cổ, đoạn từ thôn Nhân Lý chảy qua thôn Đình Tràng tới thôn Thạc Quả, có diện tích ước chừng 15.000 m2. Đình Tràng cách Đường Mây khoảng 1,5 km2, cách Đồng Vông, Bãi Mèn và Cầu Vực khoảng 2km; cách di chỉ Tiên Hội khoảng 4km về phía đông bắc.

Di chỉ Đình Tràng đã qua 4 lần thám sát và 4 lần khai quật, với tổng diện tích là 277,25 m2. Căn cứ địa tầng và sự phân bố của các loại hiện vật trong tầng văn hóa, các nhà nghiên cứu trước đều cho rằng đây là một di tích khảo cổ học đặc biệt quan trọng. Di tích này có tầng văn hóa dày gồm 4 lớp văn hóa có đặc trưng di vật điển hình cho quá trình phát triển liên tục, quá trình hội tụ văn hóa của văn minh sông Hồng qua bốn giai đoạn văn hóa từ Phùng Nguyên đến Đông Sơn.

Mặt bằng hố khai quật di chỉ Đình Tràng năm 1997

Đặc biệt tìm thấy rất nhiều mộ táng cư dân Đông Sơn liên tục cư trú ở Đình Tràng. Cho đến nay đã phát hiện được 17 mộ, trong đó đợt thám sát đầu tiên (năm 1969): 1 mộ, khai quật lần I: 1 mộ, lần thứ II: 2 mộ, lần thứ III: 2 mộ và lần thứ IV: 10 mộ. Đây đều là mộ đất. Các mộ có hướng ổn định là tây bắc – đông nam hay ngược lại. Riêng mộ M8 người chết chôn nằm co, các mộ còn lại, người chết đặt nằm ngửa duỗi thằng. Tình trạng xương cốt mủn nát, một số còn lại giữ được hộp sọ. Đa số các mộ đều có đồ tùy táng hiện vật Đông Sơn như đồ gốm, giáo, rìu đồng.

Di vật thu được qua bốn lần khai quật di chỉ Đình Tràng:

– Đồ đá: 708 hiện vật (rìu, bôn, đục, bàn mài, dọi xe chỉ, hòn ghè, chì lưới, nạo, khuôn đúc) chiếm 45,94%, đồ trang sức 108 hiện vật (vòng tay, khuyên tai, nhẫn, hạt chuỗi, lõi vòng).

– Đồ đồng thau: 254 hiện vật chiếm 15,89%, sắt 2 hiện vật chiếm 0,12%, xương 4 hiện vật chiếm 0,25%. Đặc biệt là hiện vật có ký hiệu 71ĐT:123 được làm từ một đoạn sừng hươu dài 3,8cm có lỗ khoan thông 2 đầu, mặt cắt ngang hình tròn dẹt, giữa thân khoét một lỗ hình chữ nhật, phía trên có 2 lỗ tròn nhỏ đối diện nhau qua khe hở chạy dọc thân. Đây có thể là đồ trang sức mặt người hoặc mặt thú.

– Đồ gốm nguyên và đồ đất nung: 582 hiện vật (bi, dọi xe chỉ, chì lưới, nồi, bát, chén, đĩa, lọ, bình, vò, tượng hình đầu người) chiếm 36,81% (trong đó có 441 mảnh chạc) và 68.744 mảnh gốm vỡ các loại.

Đình Tràng là di chỉ cư trú – mộ táng, có thể nhận thấy diện mạo của 4 giai đoạn văn hóa nối tiếp nhau trong khung niên đại thời đại đồng thau Việt Nam: Phùng Nguyên – Đồng Đậu – Gò Mun – Đông Sơn (loại hình Đường Cồ).