Đồng Vông nằm về phía Đông Nam thành Cổ Loa. Di chỉ khảo cổ học Đồng Vông nằm trên doi đất cao ven sông Hoàng Giang, thuộc cánh đồng phía Đông Nam xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội. Diện tích toàn bộ khu di tích ước khoảng l0.000m2.
Di chỉ khảo cổ học Đồng Vông năm 2007
Quanh di chỉ đồng Vông còn có một số di chỉ khảo cổ khác. Giáp với di chỉ này về phía Tây Nam là di chỉ Bãi Mèn và kho mũi tên đồng Cầu Vực. Di chỉ Đồng Vông cách di chỉ Tiên Hội khoảng 1,5km về phía Đông Bắc, cách di chỉ Đường Mây khoảng 1km và Đình Tràng khoảng 4km về phía Tây Nam.
Di chỉ Đồng Vông được trường Đại học Tổng hợp Hà Nội phát hiện vào năm 1965 và Trường đào 3 hố thám sát ở phía Nam di chỉ vào năm 1967. Đến nay, Đồng Vông đã qua 5 lần khai quật.
Lần khai quật thứ nhất vào năm 1969, diện tích đào l00m2 lần thứ ba vào đầu năm 1977, diện tích 283m2 đều do khoa Lịch sử, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội tiến hành. Viện Khảo cổ học khai quật lần thứ hai vào năm 1970, với diện tích 142,16m2. Ban quản lý Di tích và danh thắng Hà Nội khai quật lần thứ tư vào tháng 12-1997, với diện tích 10,50m2. Kể cả hố thám sát 4m2 của Viện Khảo cổ học vào tháng 6-1997, tổng diện tích thám sát và khai quật di chỉ Đồng Vông là 539,66m2. Đến cuối năm 2002, Viện Khảo cổ học tiếp tục đào 23 hố thám sát và 1 hố khai quật với diện tích 350m2. Hiện nay một phần của di tích đã được giải phóng để xây dựng bãi đỗ xe. Như vậy diện tích khai quật là Đồng Vông gần 900m2.
Mặc dù bị phá hoại nghiêm trọng và tầng văn hóa bị xáo trộn ít nhiều, nhưng qua 5 lần khai quật cho thấy địa tầng Đồng Vông khá thống nhất.
Hiện vật thu được trong 5 đợt khai quật di chỉ Đồng Vông rất phong phú gồm:
- Đồ đá: 1070 hiện vật, trong đó công cụ sản xuất: 845 tiêu bản (rìu, bôn, đục, chì lưới, dọi xe chỉ, lưỡi bào, nạo…), đồ trang sức: 80 tiêu bản (vòng tay, khuyên tai, nhẫn, lõi vòng, các mảnh vòng có tiết diện hình chữ nhật, hình tam giác, hình chữ D, L), 2 mũi tên đá và 143 hiện vật đá khác (bàn dập, hòn ghè, hòn kê, rìu, bôn tứ giác đang chế tác dở, bàn mài).
- Đồ gốm: 420 hiện vật nguyên gồm các loại hình: bi, chì lưới, tượng gốm, chạc gốm, khuôn đúc, nắp vung và 64.940 mảnh vỡ của các loại.
Trong tầng văn hóa còn phát hiện được nhiều cục xỉ đồng, tuy nhiên hiện vật đồng chưa phát hiện được. Căn cứ vào đặc điểm tầng văn hoá và diễn biến di vật, có thể xác định Đồng Vông là di chỉ thuộc văn hóa Phùng Nguyên, có niên đại từ 3700- 4000 năm cách ngày nay. Di chỉ này có nhiều nét tương đồng với di chỉ Gò Bông, Xóm Rền (Vĩnh Phú).