“Tưởng rằng em chửa có chồng
Để anh mang cốm mang hồng sang sêu”.
Sêu là tục lệ có từ xưa của người Việt. Sau khi nhà trai đã đến nhà gái làm thủ tục dạm ngõ thì từ lúc đó tuy chưa cưới nhưng chàng trai đã được xem như là thành viên trong gia đình nhà gái. Vì vậy, trong các dịp lễ tết chàng trai có bổn phận mang lễ vật đến biếu và giúp đỡ khi nhà gái có việc. Sêu là việc mang đồ lễ đến biếu thể hiện lòng thành kính, tôn trọng của chàng rể đối với bậc sinh thành ra vợ mình. Đó cũng là thử thách đối với chàng rể tương lai.
Tục ăn Sêu bà Chúa diễn ra trong ngày 13/8 âm lịch hàng năm, ngày được xem là ngày “đính hôn” của công chúa Mỵ Châu, con gái duy nhất của đức vua An Dương Vương với Trọng Thủy, con trai của Triệu Đà, vua nước Nam Việt. Trong ngày này, bữa ăn của người dân Cổ Loa thường có các món bún như: bún xào rau cần, bún riêu cua…
Sở dĩ bún trở thành món ăn chính trong ngày Sêu bà Chúa là theo chuyện xưa kể rằng: “Từ ngàn năm trước, trong lúc chuẩn bị yến tiệc cho lễ dạm hỏi công chúa Mỵ Châu, người đầu bếp nọ chẳng may làm đổ bột gạo vào trong vạc nước sôi. Hốt hoảng, anh vội vàng nhấc chiếc rổ lên thì thấy bột gạo kết thành những sợi dây dài màu trắng. Tiếc của, lại không biết làm gì với những sợi bột trắng kia, sẵn có rau cần, anh bèn xào cả hai thứ với nhau. Tiệc được bày lên, vua An Dương Vương lấy làm thích thú khi nhìn thấy thức ăn lạ với những sợi nhỏ màu sắc trang nhã, mang hương đồng gió nội, nhà vua hết lời khen ngợi. Món bún xào rau cần ngẫu nhiên trở thành món ăn đặc biệt trong thực đơn đãi khách của nhà vua”.
Ngày nay món bún ở Cổ Loa do dân làng Mạch Tràng làm ra, được dùng để dâng cúng trong các ngày lễ và cũng là đặc sản của vùng Cổ Loa để tiếp đãi du khách. Tục ăn Sêu bà Chúa và truyền thuyết Mỵ Châu - Trọng Thủy được lưu truyền trong dân gian là câu chuyện mang cả nét hiện thực lẫn huyền thoại từ thời Âu Lạc phản ánh một dấu ấn sâu đậm trong đời sống tâm linh của nhân dân Cổ Loa. Đó là bài học nhắc nhở về tinh thần cảnh giác trước âm mưu của kẻ thù, đồng thời khẳng định, đề cao sự thuỷ chung, trong sáng của phụ nữ Việt Nam.