LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG LÀNG NGOẠI SÁT (VẠN LỘC – XUÂN CANH – ĐÔNG ANH – HÀ NỘI)
Ngày 11 tháng 02 Năm 2023

Làng Ngoại Sát (nay là thôn Vạn Lộc), xã Xuân Canh, huyện Đông Anh. Vạn Lộc là một làng Việt cổ được Vua An Dương Vương rất ưu ái quan tâm và đặt tên là làng Ngoại Sát và trao quyền giám sát, kiểm soát, không ai được phép tự tiện vào thành. Cũng có ý kiến cho rằng, Ngoại Sát là nơi đưa ra để trừng phạt những người phạm tội. Đây là vùng đất hết sức quan trọng bảo vệ phía Tây thành Cổ Loa. Là một làng trong Bát xã Loa Thành (Cổ Loa, Ngoại Sát, Đài Bi, Văn Thượng, Cầu Cả, Mạch Tràng, Thư Cưu, Sằn Giã), nhân dân làng Ngoại Sát đã có công góp sức người, sức của cùng với đức vua đắp lũy xây thành, chống giặc ngoại xâm, mở mang bờ cõi, xây dựng Nhà nước Âu Lạc ngày càng phát triển.

Lễ hội làng Ngoại Sát được tổ chức tại đình. Đình làng Ngoại Sát cũ nay đã không còn. Theo các cụ cao niên trong làng kể lại ngôi đình cũ được dựng hoàn toàn bằng gỗ, bị hư hại nhiều trong thời kỳ chiến tranh. Đến năm 1978, hợp tác xã hợp nhất phá đình, gỗ đình được sửa ra làm khung dệt, khung thêu, đóng tủ. Ngôi đình ngày nay được xây dựng lại vào năm 2007 trên một khu đất có tổng diện tích là 3200m2 , với diện tích khoảng 350m2.

Đình thờ Đức vua An Dương Vương - một nhân vật gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Để chuẩn bị cho lễ hội Bát xã Loa Thành vào ngày mồng 6 tháng Giêng và lễ hội tại làng Ngoại Sát (mồng 9 tháng Giêng), các công việc chuẩn bị đã bắt đầu từ cuối tháng 11 âm lịch. Việc đầu tiên là bầu “Thủ hiệu” tức là người đánh trống, chiêng. Trong làng phải cử người song toàn, có đạo đức theo quy chuẩn của làng đề ra. Thủ hiệu đầu đội khăn xếp hình chữ nhân, chân đi giầy Ký long.

Chủ tế, còn gọi là Thầy tế, hay Thầy lễ, được dân làng bầu ra. Người này phải khỏe mạnh, sạch sẽ, gia đình không có rớp (không mắc tội, không có tang…), tuổi từ 50 đến 60. Trước khi hành lễ những người được dự lễ phải kiêng ăn hành tỏi; tắm giặt sạch sẽ. Các ngày mùng 1, mùng 2 và mùng 3 Tết Âm lịch, cụ Từ trực tại đình để đón tiếp khách vào làm lễ.

Bên cạnh đó là sự chuẩn bị chu đáo cho các đội, bao gồm: Đội quân chầu (người phục vụ), đội múa cờ, đội rước đồ đồng bát bửu, đội bát âm, đội rước cờ, ban bài sáp - ban chỉ đạo đoàn rước. Trước đó, làng cũng đã tuyển chọn ra một số nam thanh niên là những người khỏe mạnh, không bị dị tật để khiêng kiệu (gọi là các quân chầu), ngoài ra còn tuyển chọn thêm một số nam, nữ thanh niên để cầm cờ trong đám rước.

Để chuẩn bị cho lễ rước tại lễ hội Bát xã Loa Thành, thôn Ngoại Sát chuẩn bị 2 kiệu:

+ Kiệu Bát cống: rước ngai, bát hương.

+ Kiệu Văn: để giá văn, bát hương, bỏng, oản. Ngày xưa, kiệu chỉ rước giá văn, không để bỏng oản.

Đối với ngày lễ hội của làng, công việc chuẩn bị do chính quyền, nhân dân, các cụ cao tuổi và các đoàn thể trong làng (Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh..). Trong đó, Hội người cao tuổi giữ trọng trách phần thực hành nghi thức lễ tế, còn Đoàn thanh niên và Hội phụ nữ giữ vai trò ghi công đức.

Đồ lễ gồm: Hương hoa, thịt, xôi, gà, oản, bỏng, rượu, vàng hương. Đồ lễ do cai đám chuẩn bị. Sáng mồng 9 tháng Giêng, sau lễ khai mạc và lễ dâng hương của các đoàn thể, ban ngành, cộng đồng cư dân và khách thập phương, nghi thức lễ - tế bắt đầu. Cách thức lễ - tế tại lễ hội làng Ngoại Sát vẫn theo lệ tế - lễ tại lễ hội Cổ Loa.

Bên cạnh hoạt động tế lễ cổ truyền thì ở lễ hội làng Ngoại Sát trong vài năm trở lại đây có thêm nghi thức dâng hương và múa trống do đội lễ nữ thực hiện sau nghi thức lễ - tế của các quan viên tế nam. Đoàn đi theo một hàng dài, người dẫn đầu cầm hương, còn lại theo sau là bình hoa, mâm bánh kẹo, mâm trái cây. Sau khi dâng lễ vật lên ban thờ, đoàn ra theo đội hình bái lạy theo nhịp trống. Sau nghi thức dâng hương là đến nghi thức múa trống. Để bắt đầu múa trống, người trưởng đoàn tay phủ vải đỏ cầm hương theo sau là 4 người (2 người/vật phẩm) mang hoa và bánh kẹo. Đến hiên đình, đội múa trống không vào mà chuyển vật phẩm cho những người ở đội dâng hương đưa lên ban thờ, sau đó ra sân đình bái lạy theo nhịp trống chuẩn bị múa trống. Đội hình thực hiện nghi thức múa trống gồm: 9 người múa trống (1 người trống đại, 8 người trống nhỏ), 1 người cầm chập cheng, 4 người múa cờ, 4 người múa nến, 12 người đánh trống cơm. Nghi thức múa trống được diễn ra như sau: 9 người múa trống theo nhịp sau đó lần lượt đội múa cờ, múa nến và múa trống cơm vào múa theo các nhịp điệu đã định sẵn. 

Nằm trong Bát xã Loa Thành, làng Ngoại Sát, xã Xuân Canh hàng năm vinh dự được tham dự nghi thức tế lễ rước tại đền Thượng (đền thờ Đức vua An Dương Vương) vào ngày mồng 6 tháng Giêng. Chính quyền làng Ngoại Sát luôn ý thức được vị trí cũng như trách nhiệm của mình nên có quá trình chuẩn bị kĩ lượng cho lễ hội Bát xã Loa Thành. Trong buổi lễ tế của Bát xã Loa Thành, Ngoại Sát được làm nhiệm vụ “củ soát” tế phẩm, tế vật mang đến dâng vua.

Hoàn thành nhiệm vụ tại lễ hội Bát xã Loa Thành, Ngoại Sát trở về làng để tiếp tục tổ chức lễ hội vào ngày 9 tháng Giêng. Nghi thức lễ tế được tổ chức tại Đình đã cho thấy sự trang trọng và linh thiêng của một hoạt động văn hóa mở đầu cho một năm mới với những hi vọng về một cuộc sống đầy đủ, sung túc.

Các nghi thức lễ tế trong lễ hội làng Ngoại Sát cũng tuân theo các bước lễ tế trong lễ hội Bát xã Loa Thành đã cho thấy sự bài bản, uy nghiêm và trang trọng của lễ hội nơi đây. Bên cạnh đó các trò chơi dân gian diễn ra sôi nổi, thu hút đông đảo người tham gia. Điều đó đã tạo nên một bức tranh lễ hội đầy màu sắc vừa mang hơi hướng của lễ hội truyền thống của vùng Cổ Loa xưa lại vừa mang nét riêng biệt, đặc trưng của mảnh đất Ngoại Sát, Xuân Canh.

BAN QUẢN LÝ KHU DI TÍCH CỔ LOA