THẨM ĐỊNH HIỆN VẬT VÀ HỒ SƠ HIỆN VẬT: PHO TƯỢNG THÁNH TỔ HOÀNG ĐẾ AN DƯƠNG ĐỀ NGHỊ CÔNG NHẬN BẢO VẬT QUỐC GIA
Ngày 10 tháng 08 Năm 2022

Sáng ngày 05/8/2022, tại Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tổ chức họp Hội đồng thẩm định hiện vật và hồ sơ hiện vật cấp cơ sở đề nghị công nhận Bảo vật Quốc gia đợt 11 năm 2022 đối với các sưu tập hiện vật của Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội.

Chủ trì buổi họp: Ông Đỗ Đình Hồng – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội – Chủ tịch Hội đồng thẩm định; Các thành viên Hội đồng thẩm định: TS Phạm Quốc Quân - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, TS Nguyễn Văn Đoàn -  Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, TS Nguyễn Đình Chiến - Nguyên Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia; Đại diện Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội: Ông Nguyễn Thanh Quang – Giám đốc, bà Nguyễn Hồng Chi – Phó Giám đốc và các cán bộ Trung tâm.

Tại phiên họp, Hội đồng đã nghe Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội báo cáo, trình bày nội dung các hồ sơ đề nghị công nhận Bảo vật Quốc gia gồm: Bộ sưu tập bát, đĩa ngự dụng thời Lê Sơ; Thành bậc đá điện Kính Thiên thời Lê Trung Hưng; Đầu rồng thời Trần; Súng thần công tại Hoàng Thành Thăng Long thời Lê sơ; Đặc biệt là Pho tượng Thánh tổ Hoàng đế An Dương tại đền Thượng – Khu di tích Cổ Loa (thôn Chùa, xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, TP Hà Nội).

Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội báo cáo, trình bày nội dung hồ sơ

Pho tượng Thánh Tổ Hoàng đế An Dương có niên đại cuối thế kỷ XIX (1897) được thờ trang trọng tại đền Thượng (còn gọi là đền thờ vua An Dương Vương). Pho tượng được làm bằng hợp kim đồng với kỹ thuật đúc bằng khuôn sáp (sáp ong) đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao. Tượng được đúc liền khối, hình trụ trong tư thế ngồi trên bệ với phong thái ung dung, đường bệ, uy nghi. Vua đội mũ bình thiên hai cấp, trang trí "lưỡng long chầu nhật". Khuôn mặt vua vuông chữ "điền", mang phong cách của nghệ thuật tượng chân dung. Mình mặc áo long bào cổ cao, hai tay cầm hốt để trước ngực, diềm áo chảy xuống tới tận mũi hài. Thân đeo đai ngọc to bản trễ xuống, chân đi hài mũi cong. Hoa văn trang trí trên long bào được sắp đặt theo bố cục đăng đối, ở mặt trước và sau, bên phải, bên trái. Điểm nhấn của hoa văn trang trí trên long bào được phân thành các chủ đề khác nhau như: lưỡng long chầu nhật, rồng cuộn, mây hóa, trăng, sao, rồng hóa, chim phượng, chim công, cỏ cây, hoa lá, sóng nước, và những biểu tượng thiêng khác...

Pho tượng Thánh Tổ Hoàng đế An Dương diễn tả được đầy đủ, toàn diện hình thể của một bức tượng chân dung và thể hiện được phong thái, cốt cách của một vị thần chủ - vua An Dương Vương.

Pho tượng Thánh tổ Hoàng đế An Dương

Hội đồng đã xem xét, thảo luận và đánh giá theo những tiêu chí của Bảo vật quốc gia được quy định tại khoản 21, Điều 1, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa và Điều 2, Thông tư số 13/2010/TT-BVHTTDL, ngày 30 tháng 12 năm 2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Căn cứ kết quả bỏ phiếu, Hội đồng thống nhất các hiện vật đáp ứng được các tiêu chí đề nghị công nhận Bảo vật quốc gia. Đề nghị Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, Ban Quản lý Khu di tích Cổ Loa tiếp thu, chỉnh sửa và hoàn thiện hồ sơ theo các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các thành viên hội đồng thẩm định làm cơ sở trình các cấp có thẩm quyền xem xét, công nhận bảo vật quốc gia đợt 11 năm 2022.

BAN QUẢN LÝ KHU DI TÍCH CỔ LOA