Nhân kỷ niệm ngày sinh đức vua An Dương Vương (ngày 11 tháng Tám âm lịch được ghi chép lại trong cuốn “Ngọc phả cổ lục”), xin gửi đến Qúy bạn đọc các bài viết về Tượng vua An Dương Vương được công nhận là Bảo vật Quốc gia năm 2022. Kỳ 1: Hiện vật gốc độc bản.
Tượng vua An Dương Vương được thờ trang trọng trong Hậu cung đền Thượng (còn gọi là đền thờ vua An Dương Vương). Đền Thượng được xây theo hướng Nam, trên một gò đất cao (tương truyền thuộc nền cũ của cung vua), nằm ở góc Tây Nam thành Nội. Các công trình kiến trúc chính của ngôi đền nằm trên trục Dũng đạo hay còn gọi là Thần đạo. Từ trên cao xuống thấp theo năm cấp độ khác nhau bao gồm: Khu hậu cung, Trung đường, Phương đình, Tiền đường, hai nhà Tảo mạc; sân Rồng Thượng, hai bên tả hữu Vu, nhà bia, Nghi môn nội; sân Rồng Hạ, hai mắt rồng, Nghi môn ngoại có đôi rồng đá thành bậc, khá điển hình của nghệ thuật nửa đầu thế kỷ XVIII; Sân trước có 3 cây hương đá và cuối cùng là khu giếng Ngọc. Với nhiều lớp kiến trúc cao dần, hai lớp nghi môn đã cho chúng ta nghĩ tới công trình này được bố cục theo lối kiến trúc cung điện, rất hiếm thấy trong kiến trúc dân gian truyền thống của nước ta.
Đền thờ vua An Dương Vương
Tượng Đức vua An Dương Vương không có tư liệu, sử sách nào ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ, quá trình chế tác, nhưng có nhiều câu chuyện xung quanh nguồn gốc của bức tượng: Tương truyền trong dân gian là trong một lần trùng tu lớn tại đền Thượng vào thế kỷ XVIII đã phát hiện một kho đồng dưới nền điện. Theo các cụ cao tuổi kể lại vào năm 1893, trong lần trùng tu đền Thượng, đào được tại đền Thượng một kho đồng, nhân dân cho rằng, đó là kho đồng thiêng của nhà vua nên đã đem đúc tượng, phục vụ cho việc thờ cúng, tế lễ tại đền. Bức tượng được đúc trong 4 năm, đến năm 1897 thì xong. Từ chuyện kể dân gian đến những dòng lạc khoản và phong cách nghệ thuật được lưu lại trên pho tượng, có thể khẳng định tượng Đức vua An Dương Vương được hoàn thiện vào năm 1897 là hoàn toàn chính xác, cho dù sự chuẩn bị có thể kéo dài tới 4 năm, như trong dân gian truyền miệng. Các dòng minh văn chữ Hán được khắc và dát vàng: 聖祖安陽皇帝 "Thánh Tổ An Dương Hoàng đế" ở vị trí hộ tâm tròn, mài nhẵn dưới bụng; 丁酉年五月十六日鑄 "Đinh Dậu niên, ngũ nguyệt thập lục nhật chú" (tức là đúc ngày 16 tháng 5 năm Đinh Dậu, 16/5/1897), 銅像二百五十五斤 "Đồng tượng nhị bách ngũ thập ngũ cân" (Nghĩa là: Tượng đồng nặng 255 cân) ở hai “lưỡi xén” sau lưng pho tượng.
"Lưỡi xén" bên phải khắc chữ Hán: "Đồng tượng Nhị Bách ngũ thập ngũ cân"
"Lưỡi xén" bên trái khắc chữ Hán: "Đinh Dậu niên ngũ nguyệt thập lục nhật chú”
Kể từ khi được hoàn thành cho đến hiện nay, pho tượng vẫn được thờ phụng suốt 126 năm tại đền Thượng, thuộc khu Di tích Quốc gia đặc biệt Cổ Loa là một điều khẳng định thứ hai, khiến cho tác phẩm trở thành một biểu tượng của cộng đồng, không chỉ Cổ Loa, mà còn với nhân dân cả nước.
Tượng đức vua An Dương Vương
(Ảnh chụp giai đoạn 1920 – 1930; Nguồn: EFEO)
Tượng vua An Dương Vương được đúc bằng đồng là pho tượng duy nhất, chưa từng thấy ở bất cứ di tích thờ An Dương Vương nào trên đất nước ta, kể từ xưa cho đến nay.
Mời các bạn đón xem kỳ 2: Bảo vật Quốc gia – Tượng vua An Dương Vương (Tính độc đáo của hiện vật).
Ths. Hoàng Công Huy
Ths. Trịnh Ngọc Huân