LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG LÀNG ĐÀI BI
Ngày 11 tháng 02 Năm 2023

Đài Bi là một làng nằm trong "Bát xã hộ nhi" hay còn gọi là “Bát xã Loa Thành” vùng đất cổ đã in đậm nhiều lịch sử huyền thoại, truyền tích về thời kỳ dựng nước của vua An Dương Vương. Là vùng liền kề khu vực Cổ Loa, thôn Đài Bi cũng như các thôn khác trong “Loa Thành bát xã” đều thờ vị Thành hoàng là Thục Phán An Dương Vương. Căn cứ vào cuốn thần tích cùng các di vật còn trong di tích thì đình Đài Bi thờ vua An Dương Vương và công chúa Mỵ Châu làm Thành hoàng làng. Trải qua các triều đại phong kiến, vua An Dương Vương cùng công chúa Mỵ Châu đều được phong làm Thượng đẳng thần và ban tặng với nhiều mỹ tự.

Do việc là một làng nằm trong “Bát xã Loa Thành” do vậy, Đài Bi có liên quan chặt chẽ đến lễ tế của Bát xã tại đền Thượng - Cổ Loa. Việc duy trì lễ tế Bát xã của Đài Bi đã được ghi nhận từ rất lâu nay, việc bài trí ban thờ An Dương Vương và con gái là Mỵ Châu ở đình Đài Bi khá giống ở Cổ ở Cổ Loa và các làng xã khác trong Bát xã như Mạch Tràng, Thư Cưu, Cầu Cả...

Để tưởng nhớ công lao, ân đức của vua Thục An Dương Vương đối với đất nước, quê hương, hàng năm cứ đến ngày mùng 6 tháng Giêng, nhân dân Đài Bi lại tham gia lễ hội cùng với các làng trong “Bát xã Loa thành” của tổng Cổ Loa xưa. Theo quy trình của hội Bát xã, thôn Đài Bi được sắp xếp đi rước kiệu thứ 6 trong đoàn rước của 8 xã lên đền Thượng. Đến nơi, kiệu của Đài Bi được để bên dãy phía Tây đền Thượng. Đài Bi cùng Sằn Giã, Thư Cưu được phân công làm nhiệm vụ phủng tước (dâng rượu) và phủng hương (dâng hương) trong nghi thức tế Vua. Đoàn rước tế lễ của Đài Bi đã góp phần cho lễ hội Cổ Loa thêm phần đông vui, đầm ấm. Lễ hội thể hiện tình đoàn kết cộng đồng làng xã, thu hút đông đảo mọi người tham dự.

Các quan viên tế

Các làng khác thuộc Bát xã, sau ngày 6 tháng Giêng, theo trình tự thời gian đã định, tiếp tục mở hội tại đình làng, đến tận 16 tháng Giêng. Làng Đài Bi tổ chức lễ hội vào ngày mùng 9 tháng Giêng để tưởng nhớ Đức vua Thục Phán An Dương Vương- người đã có công lập nên nhà nước Âu Lạc từ buổi đầu dựng nước và giữ nước của dân tộc. Cách thức tổ chức lễ hội Đài Bi biểu hiện đầy đủ tính chất đặc trưng của văn hóa làng xã, trong hội có rước (cùng Bát xã Loa Thành), có tế, lễ cùng các trò chơi dân gian truyền thống của vùng đồng bằng Bắc Bộ. 

Hiện nay không gian tổ chức lễ hội của làng diễn ra tại đình làng Đài Bi. Năm nào cũng vậy, ngay từ đầu tháng Chạp, dân làng Đài Bi đã bắt tay vào công việc chuẩn bị cho lễ hội. Việc chuẩn bị trang trí khánh tiết băng - rôn, cờ, khẩu hiệu trang trọng tạo không khí vui tươi trong lễ hội. Đến ngày 27 tháng Chạp thì cờ, khẩu hiệu được trưng lên, trước cổng làng vào trong đình là một lá cờ hội lớn phấp phới bay trong tiết trời xuân, lá cờ thầnlá cờ tổ quốc được treo ở hai cột trước đình, chào đón du khách thập phương về với lễ hội. Lễ hội ngoài phần lễ thì còn có cả trò chơi dân gian, vì thế, việc chuẩn bị các điều kiện vật chất cho các trò chơi diễn ra là việc làm cần thiết. Làng Đài Bi đã họp và thành lập Tiểu Ban tổ chức lễ hội do Trưởng thôn làm Trưởng Ban, quản lý các tiểu ban và giao nhiệm vụ và phân công cụ thể cho từng thành viên: Hội người cao tuổi là chủ chốt chịu trách nhiệm lớn nhất phụ trách phần nghi thức lễ tế, hội phụ nữ tiếp nhận nguồn công đức, đoàn thanh niên tổ chức trò chơi dân gian và đón tiếp khách.

Công việc chuẩn bị trước tiên là chuẩn bị về nhân lực, bao gồm chọn người làm chủ tế, quan đám, các quan viên, bồi tế, bồi bái, chuẩn bị lực lượng rước kiệu; cầm cờ, quạt, lọng, tán, múa phất cờ…

Nghi thức Phủng hương

Tiêu chuẩn chọn cai đám (tức là người chịu trách nhiệm hương khói tại đình trong năm): độ tuổi từ 60 trở lên, khỏe mạnh, minh mẫn, là người có gia đình song toàn, con cái ngoan ngoãn có có nếp, có tẻ, không có dị tật trên cơ thể, là người có đủ đức độ mọi bề, được dân làng kính trọng, gia đình không có bụi.

Việc lựa chọn chủ tế và các quan viên - những người ở trong ban tế thần phải được lựa chọn rất kỹ càng với nhiều tiêu chuẩn khác nhau: độ tuổi từ 50 tuổi trở lên, khỏe mạnh, không mắc dị tật, là người có gia đình song toàn, gia đình hòa thuận, được dân làng quý trọng, không vướng tang trở.

Những người đảm nhận trọng trách trong lễ hội như Bồi tế, Bồi bái, Đông xướng, Tây xướng, Độc chúc, Thủ hiệu không cần tiêu ngặt nghèo như Chủ tế nhưng cũng phải đảm bảo các tiêu chuẩn như: là người có gia đình song toàn, con cái thành đạt, gia đình sống hòa thuận, được dân làng quý trọng. Bản thân người đó phải lành lặn, mặt mũi sáng sủa, không bệnh tật, không mắc tệ nạn, không vướng tang trở. Với hai Thủ hiệu thì còn phải có sức khỏe hơn người để đảm bảo đúng hiệu lệnh trống, chiêng trong suốt buổi tế lễ. Đây là những người thay mặt nhân dân để tế thần, hầu hạ thánh nên việc lựa chọn phải rất cẩn thận thì cả làng mới được thánh phù hộ, ban cho nhiều phúc lộc.

Ở lễ hội làng Đài Bi, không chỉ có nam giới tham gia tế lễ mà còn có đội lễ nữ. Trước đây thời Phong kiến phụ nữ không được bước qua cửa tam quan của đình, đội lễ nữ mới có cách ngày nay khoảng 10 năm và chỉ có đội tế nam mới được tế ở bên đình còn đội lễ nữ chỉ làm lễ dâng hương lên Thánh chứ không tế ở bên đình, chỉ đứng hai bên làm lễ (5 lễ 3 vái) sau khi làm lễ bên đình xong sẽ làm lễ dâng hương tại Chùa). Việc chọn những người trong đội lễ nữ cũng quan trọng không kém. Những người được chọn vào đội lễ nữ phải là người từ 50 tuổi trở lên: thân thể lành lặn, gia đình hòa thuận, con cái thành đạt, sống phúc hậu. Đó là những người phụ nữ gương mẫu, đảm đang, giỏi việc nhà và tích cực tham gia các công tác xã hội.

Ngoài những người làm nhiệm vụ tế lễ, trong hội còn có những người tham gia rước kiệu, đội múa cờ (áo đỏ thắt lưng bó que), múa sinh tiền và một số lượng đáng kể những nhân vật tham gia cầm cờ, quạt, lọng, tán, đồ bát bửu…Vì thế, việc chọn lựa những nhân vật tham gia đóng hội này cũng rất quan trọng. Phần lớn những nhân vật tham gia đóng hội này trong độ tuổi 14 - 16. Đó là những học sinh đạt thành tích cao trong học tập, mặt mũi khôi ngô, sáng sủa, là những trai thanh, gái lịch. Hàng năm làng chọn 16 thanh niên khỏe mạnh, khôi ngô tuấn tú đảm nhiệm vai trò rước kiệu bát cống, 08 thanh niên khênh kiệu văn và một số lượng lớn nam nữ thanh niên tham gia cầm cờ, quạt, lọng, tán, khiêng trống chiêng, vác đồ bát bửu (10 người), đội phất cờ (4 người)…đội múa sinh tiền (4 người) phải là đội chuyên nghiệp.

Từ xưa, tục lệ sửa cỗ bàn, làm lễ vật dâng cúng thần linh trong các dịp lễ hội đã được in đậm trong tâm thức dân gian của người Việt và trở thành một phong tục đẹp của dân tộc ta. Lễ vật dâng cúng tế Vua trong hội làng Đài Bi rất phong phú và mang đậm tính chất địa phương, bao gồm hương hoa, oản quả, xôi gà, cau trầu, rượu, bỏng chủ, cỗ bánh dày, rước vào dâng vua. Lễ vật chú ý trong lễ hội Cổ Loa cũng như bát xã là bỏng Chủ.

Lễ hội làng Đài Bi cho thấy sự gắn kết mang tính chất liên làng gắn liền với lịch sử của nhà nước Âu Lạc thời kỳ An Dương Vương. “Bát xã hộ nhi” cùng nhau tổ chức lễ hội cho thấy sức sống mãnh liệt của cộng đồng làng xã nâng cao giá trị văn hóa, duy trì phong tục tập quán, thông qua lễ hội đã tăng thêm khối đoàn kết toàn dân.

Với ý nghĩa và giá trị lịch sử to lớn, công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy lễ hội Bát xã Loa Thành trong đó có lễ hội làng Đài Bi cần được tiếp tục bảo tồn, quảng bá sâu rộng hơn nữa để không chỉ nhân dân huyện Đông Anh mà còn nhân dân Thủ đô biết đến tiếp tục là nhiệm vụ hết sức quan trọng và cần thiết.

BAN QUẢN LÝ KHU DI TÍCH CỔ LOA