ĐIẾM XÓM VANG (CỔ LOA – ĐÔNG ANH)

Xóm Vang, còn có tên là Đa Vang, ở phía đông thành nội, phía nam của thành trung, chỉ cách xóm Chợ một con đường. Điếm Xóm Vang toạ ngự trên một khu vực khá cao ráo trên thành Trung, vị trí cạnh đường lớn giữa xóm, thông liền ra trại xóm Vang. Khu đất của Điếm kề liền với thổ cư các gia đình xung quanh khá nhiều. Điếm xóm Vang không rõ năm xây dựng, song có thể biết được năm trùng tu vì được ghi trên thượng lương gian ngoài là năm Thành Thái thứ 12 (1900), còn lần trùng tu gần đây nhất là vào năm 1993.

Điếm xóm Vang

Điếm có mặt bằng kiến trúc kiểu chữ “nhị” với tòa tiền tế khá lớn gồm 7 gian 2 dĩ; hậu cung ba gian xây kiểu tường hồi bít đốc, cách tiền tế một khoảng sân hẹp. Bộ khung mái gồm 8 bộ vì gỗ làm kiểu “kẻ chuyền”, riêng bộ vì hai đầu làm kiểu “con chồng”, đều có 6 hàng chân cột. Phần trang trí được thể hiện bằng các họa tiết vân mây, lá đề trên câu đầu và các kẻ; một số cột gian giữa phía trong được sơn đỏ và vẽ rồng cuốn. Mái điếm khá lớn với bốn góc đao cong có trụ gạch đỡ. Bờ nóc, bờ dải có đắp trang trí hoa chanh. Mặt trước để lối đi lên suốt ba gian không có cửa, các gian hai đầu bịt tường hoa lửng tiếp liền với trụ đỡ mái.

Hậu cung gồm ba gian xây tường bao ba mặt, để cửa đi toàn bộ mặt trước. Bộ vì gỗ của hậu cung được làm đơn giản kiểu “con chồng”, trốn cột trước, sau. Chỉ còn một hàng cột cái của bộ vì giữa. Mái được lợp ngói ta nhưng nóc mái lợp ngói bò.

Trên khoảng sân nhỏ lát gạch bát trước tiền tế có đắp một bình phong, phía trong là một miệng giếng cổ hình tròn được xây bằng gạch bát, cạnh giếng làm miếu thờ thủy thần.

Điếm xóm Vang là nơi thờ quan linh, thổ công thổ địa và thờ thủy thần. Điếm hiện nay vẫn là nơi hội họp sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân trong xóm.

BAN QUẢN LÝ KHU DI TÍCH CỔ LOA