Cầu Cả là tên thôn - một thôn nhỏ nằm ở phía tây nam thành Ngoại Cổ Loa. Ngôi đình làng nằm ở giữa trung tâm khu vực thổ cư, thường được gọi theo địa danh là đình Cầu Cả.
Đình làng vốn là nơi diễn ra các hoạt động công cộng, nơi sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng của nhân dân. Tại đình Cầu Cả cũng như 8 “xã” thuộc “Bát xã Loa thành” từ xưa đã thờ An Dương Vương làm Thành hoàng làng.
Đình Cầu Cả
Đình Cầu Cả ở gần trục đường đông tây của thôn trên khu đất có diện tích khoảng 650m2. Lối vào phải qua một Nghi môn kiểu “Tứ trụ” và một khoảng sân nhỏ. Đình có mặt bằng kiến trúc kiểu chữ “Nhị” gồm hai nếp nhà có khoảng cách mái gần 2m.
Toà đại đình, có 5 gian 2 dĩ, kiến trúc kiểu khung gỗ mái lợp ngói ta, tường hồi bít đốc tay ngai, trụ biểu xây sát liền tam cấp. Các vì kèo có cấu tạo giống nhau: “Thượng giá chiêng, trung chồng xà, hạ bẩy” gồm 4 hàng chân cột. Mặt trước 5 gian có cửa gỗ kiểu bức bàn, 2 gian phụ xây bít liền với tường hồi. Trên kết cấu khung gỗ, ở hai vì gian giữa và tiếp liền đó có các đầu dư chạm đầu rồng và các bức cốn được chạm khắc trang trí vân mây hoa lá hoặc chữ “Triện”.
Hậu cung của đình, một kiến trúc có ba gian, nhỏ và thấp hơn, không liền mái với đại đình. Kết cấu các bộ vì kiểu “Thượng giá chiêng, kẻ chuyền”; “Tiền kẻ, hậu bẩy” với ba hàng chân cột. Bẩy sau được gác lên tường hậu. Không thấy có chạm khắc trang trí, các cấu kiện chủ yếu được “bào trơn đóng bén”.
Bên cạnh hậu cung, lệch về phía sau có một Am nhỏ thờ công chúa Mỵ Châu.
Đây là ngôi đình làng có quy mô hơn nhiều nếu so với đình “Ngự triều di quy” hay đình Mạch Tràng nhưng cũng là một kiến trúc gỗ được chạm khắc tinh tế, thể hiện rõ trên các trang trí bộ khung mái, các đầu dư chạm rồng. Số lượng di vật trong đình cũng khá phong phú. Tại toà đại đình hiện còn bức cửa võng có chạm trổ “Tứ linh”, “Tứ quý” theo phong cách nghệ thuật thời Nguyễn, thế kỷ XIX. Ngai thờ bằng gỗ chạm trổ sơn son thiếp vàng còn đủ “mâm ỉ”, “Bài vị”. Có hai kiệu được sơn thếp rực rỡ: kiệu “Bát cống” với mô típ chạm rồng, vân mây, hoa lá khá tinh tế, mềm mại. Kiệu “Long đình” với hình dáng kích thước cân đối hài hoà. Đây là những bộ kiệu thường được đem dùng cho việc tế lễ, rước tại lễ hội mùng 6 tháng giêng hàng năm ở đền Thượng và đình làng. Ngoài ra, còn một số đồ thờ thường thấy ở trong các di tích: hương án, sập thờ, giá gươm trường, bát bửu…
Ở đình còn lưu giữ được 15 đạo sắc phong. Sắc cổ nhất có niên đại Cảnh Hưng (thời Lê Cảnh Hưng 1740-1786). Đặc biệt có một đạo sắc thời Tây Sơn niên hiệu Cảnh Thịnh (Cảnh Thịnh 1793-1801).
Nằm trong khu di tích Cổ Loa, đình Cầu Cả là một trong ba ngôi đình còn lại, là trung tâm sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng của nhân dân địa phương.