ĐIẾM XÓM GÀ (CỔ LOA – ĐÔNG ANH)

Xóm Gà ở phía tây thành Nội, gần với thành Trung về phía tây nam. Theo truyền khẩu, từ thời An Dương Vương ở khu vực này thường tổ chức chọi gà và là nơi tụ tập của hội chọi gà nên sau này có tên là xóm Gà.

Điếm xóm Gà

Điếm xóm Gà nằm cạnh trục đường Bắc Nam, ngay đầu xóm, có mặt tiền quay hướng nam, trước mặt có ao hình chữ nhật. Bên đường gần cổng đi có một giếng miệng tròn xây bằng gạch bát, cạnh đó là miếu thờ thủy thần. Kiến trúc của điếm có mặt bằng kiểu chữ “đinh”. Tòa tiền tế gồm 5 gian 2 chái, có bước gian khá rộng, lại ở trên một nền cao khoảng một mét. Mái được lợp ngói mũi hài có bốn góc đao, bờ nóc bờ dải đắp trang trí hoa chanh và linh vật trong bộ Tứ linh: long trên bốn đầu đao, lân trên bờ dải mái trước, phượng trên hai đầu đốc mái. Chính giữa bờ nóc, tên điếm được ghi bằng ba chữ Hán trong một biển xây kiểu “tam cấp”: điếm thôn Gà, dưới đó đắp mặt hổ phù. Với kiểu kiến trúc như vậy, tòa tiền tế trông rất bề thế.

Các bộ vì kèo gỗ của tiền tế được làm theo kiểu “chồng rường, kẻ bẩy” với bốn hàng chân cột khá cao lớn. Trên các con chồng và đầu nghé, đầu bẩy có chạm vân mây hoa lá cách điệu khá mềm mại tinh tế. Theo các cụ cao niên ở địa phương, bộ khung gỗ ở điếm được mua ở nơi khác về từ cách đây khá lâu, chính là một cái đình của địa phương khác, có niên đại khoảng 150 năm về trước. Năm 2004 đã có một cuộc tu bổ lớn đã sửa chữa cả nội ngoại thất của ngôi điếm và cổng đường đi sân vườn của khu vực này.

Hậu cung có cửa trước rộng bằng một gian giữa tiền tế, lại thêm hai cửa chéo ở hai bên. Như vậy, với một bộ vì có hai hàng cột, hậu cung có diện tích rộng bằng cả hai gian, có tường bao ba mặt nối với tường bao của tiền tế tạo thành một kiến trúc khép kín chỉ mở cửa đi ở phía trước.

Trong điếm, còn có khá nhiều đồ gỗ chạm khắc, sơn son thiếp vàng có giá trị nghệ thuật cao niên đại thời Nguyễn thế kỷ XIX. Đó là bức cửa võng trước hậu cung, được chạm tỉ mỉ đề tài “tứ quý” với “trúc lão”, “mai lão” hóa rồng, vân mây cuốn với mặt hổ phù được cách điệu trông rất nhẹ nhàng mềm mại. Ban thờ ở phía dưới hai bên có đôi hạc gỗ khá lớn cũng là những đồ thờ được chạm khắc công phu, sơn thếp kỹ và một bức hoành phi, hai đôi câu đối cùng các đồ thờ khác đã làm cho nội thất tòa điếm vừa lộng lẫy nhưng vẫn tôn nghiêm. Điếm có ban thờ ở hậu cung, trên đặt một ngai thờ quan linh, thổ công thổ địa.

Ngoài tiền tế, ở sát tường hồi phía đông có ban thờ các vị có công với địa phương, với việc xây dựng điếm nhưng không có con tế tự. Hiện còn một tấm bia đá ghi về chuyện này. Sát tường bên tây, đặt một ban thờ trên đó có danh sách các liệt sĩ của xóm Gà qua các thời kì cách mạng kháng chiến.

Điếm xóm Gà hiện nay vẫn là nơi hội họp sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân trong xóm.

BAN QUẢN LÝ KHU DI TÍCH CỔ LOA